Pháp luật hiện hành cũng có nhiều quy định về bảo vệ an toàn thể chất của nạn nhân, nhân chứng, người tham gia tố giác và phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em nói riêng như các chế tài hình sự đối với người thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm cuả người tham gia phát hiện và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Về biện pháp khen thưởng, ngoài một số quy định của Luật Thi đua khen thưởng và các văn bản hướng dẫn có thể được áp dụng để khen thưởng cá nhân, cơ quan có thành tích trong phát hiện và phòng, chống tội phạm buôn bán người, khoản 3, điều 5, Chương 1 - Luật Phòng chống mua bán người năm 2011 qui định: Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản theo quy định của pháp luật.
Về biện pháp bảo vệ an toàn cho người tham gia phát hiện tội phạm, Bộ luật Tố tụng cũng quy định “công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật. Người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật”.
Các quy định của Pháp luật liên quan việc tham gia phát hiện, đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người bước đầu góp phần ngăn chặn tội phạm mua bán người.
MN (ST)