Tiểu thương chợ Long Hải buôn bán tại khu vực được quy hoạch tạm thời.
Năm 2016, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới. Ðến nay, xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, thời gian qua, xã đã triển khai thực hiện chỉ tiêu an toàn thực phẩm trên địa bàn, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Nhìn chung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở địa phương đã chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Hiện Long Thuận đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu này.
Ở xã Trà Vong, huyện Tân Biên, theo lời chị Nguyễn Thị Thu Hà- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, trong các buổi sinh hoạt, các chi, tổ Hội Phụ nữ đều lồng ghép tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho hội viên của mình.
Chị nói: “Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với UBND, Trạm Y tế xã thực hiện công tác tuyên truyền, trọng tâm là vào các tháng hành động. Ðến nay, hội viên phụ nữ ở địa phương đã có nhận thức tốt hơn về an toàn thực phẩm.
Ở các chợ nông thôn, vấn đề an toàn thực phẩm cũng được sự quan tâm của chính quyền. Ông Nguyễn Hữu Vinh- Chủ tịch UBND xã Trường Tây (huyện Hoà Thành) cho biết, chợ Long Hải đã bước đầu xây dựng hoàn thiện giai đoạn 1, các ngành hàng tạp hoá đã được sắp xếp bố trí, các ngành hàng khác dự kiến giữa tháng 8 sẽ bố trí ổn định.
Giai đoạn 2 sẽ tiến hành thi công mở rộng các gian hàng trong chợ, tổng cộng gần 460 sạp. Ban quản lý chợ luôn quan tâm về việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các tiểu thương. Dự kiến trong thời gian tới, xã sẽ làm việc với một số đơn vị cung cấp thực phẩm sạch, thu hút họ đến kinh doanh tại khu vực chợ, tạo điều kiện cho người dân có thêm sự lựa chọn.
Bên cạnh đó, khâu vệ sinh chợ được thực hiện chặt chẽ theo quy định, các ngành hàng được phân theo từng khu vực, cuối buổi mua bán, rác sẽ được tập kết ở một khu riêng, có nhân viên vận chuyển đến xe rác để đưa đi xử lý theo quy định.
Trong sự nỗ lực để hoàn thành tiêu chí 17, nhiều địa phương xây dựng nông thôn mới gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận, đạt được tiêu chí an toàn thực phẩm không dễ, duy trì được tiêu chí này càng khó hơn, do công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra ở tuyến xã còn gặp nhiều khó khăn. Ðội ngũ cán bộ phụ trách công tác an toàn thực phẩm ở xã đều làm kiêm nhiệm, không có chuyên môn sâu, lại thiếu trang thiết bị nên chủ yếu chỉ quan sát, đánh giá bằng mắt thường.
Do đó, đoàn kiểm tra thường chỉ nhắc nhở, tuyên truyền là chính, không xử phạt bởi không có thiết bị kiểm tra, lấy căn cứ đâu kết luận thực phẩm có bảo đảm an toàn hay không. Mặc dù các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh có chú trọng về an toàn thực phẩm, song vẫn còn tình trạng một số cơ sở nhỏ lẻ chưa chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước.
“Trong thời gian qua, địa phương tập trung quản lý hàng rong trên địa bàn, nhất là tại các điểm trường học nhưng công tác quản lý, kiểm tra, xử lý gặp nhiều trở ngại, do đối tượng buôn bán không ổn định”- ông Tuấn chia sẻ. Ðể nâng cao năng lực quản lý về an toàn thực phẩm, cần tổ chức tập huấn cho ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm tuyến xã, thị trấn về công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm và phải tăng cường đầu tư trang bị thiết bị, dụng cụ test nhanh, đánh giá thực phẩm cho tuyến cơ sở.
Theo ông Mai Văn Thuận- Chủ tịch UBND xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, địa phương này cũng chưa thực hiện được việc xử phạt các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, chỉ nhắc nhở là chính. Thực tế cho thấy, chỉ nhắc nhở suông thì chưa đủ sức răn đe các hành vi vi phạm.
Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới quy định: 100% hộ gia đình và các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về chỉ tiêu này như với các chỉ tiêu khác. Vì thế, địa phương khá lúng túng trong thực hiện. Ông Thuận kiến nghị ngành cấp trên sớm có hướng dẫn cụ thể về thực hiện chỉ tiêu 17.8 trong tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Ðồng thời tăng kinh phí hỗ trợ thực hiện hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm tại các địa phương.
Ở xã Trường Tây, huyện Hoà Thành, hiện tại, UBND xã giao cho Trạm Y tế thực hiện chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của Phòng Y tế. Trạm phát phiếu cam kết tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm cho hơn 200 hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở địa phương.
Chị Nguyễn Thị Kim Sa- cán bộ Trạm Y tế xã, người trực tiếp thực hiện việc điều tra cho biết, trong quá trình điều tra, phát phiếu cam kết chị gặp không ít trở ngại. Một số hộ kinh doanh do kém ý thức nên thiếu sự hợp tác. “Nhiều khi phải mất cả buổi tuyên truyền, thuyết phục họ mới chịu ký cam kết”- chị Sa nói.
Cũng theo chị Sa, đa phần các cơ sở kinh doanh tại địa phương đều thuộc loại nhỏ lẻ, không có giấy phép kinh doanh, không có các loại giấy tờ theo thủ tục hoặc có nhưng đã hết hạn, chủ cơ sở không quan tâm để làm lại.
Các cơ sở kinh doanh theo hộ gia đình thường xuyên biến động, nên xã cứ phải liên tục cập nhật. Kinh phí cho việc thực hiện chỉ tiêu an toàn thực phẩm do xã chịu trách nhiệm vẫn chưa được phân bổ, cán bộ thực hiện công tác này phải bỏ tiền túi để làm một số phần việc trước mắt như phô tô các mẫu cam kết, xăng xe.
Theo Báo Tây Ninh Online