![]() |
Chị Nguyễn Thị Nhàn |
Thời gian qua, nhiều người nghèo khó, tàn tật, neo đơn trong tỉnh nhà đều biết tới tên chị. Có “thâm niên” làm từ thiện, vừa qua chị đã được Uỷ ban Giải thưởng KOVA (giải thưởng thường niên dành tôn vinh các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội) xét trao thưởng năm 2012. Đó là chị Nguyễn Thị Nhàn, nhà ở phường 4, thị xã Tây Ninh.
Cuộc đời chị Nhàn từng trải qua nhiều gian nan. Hồi đó, chị cũng được cha mẹ cho đi học đến tú tài nhưng chỉ thế thôi, hoàn cảnh gia đình lúc ấy không cho phép chị tiếp tục theo đuổi nghiệp sách đèn mà phải cùng người thân lo “ôm” cái sạp vải nho nhỏ ngoài chợ Thị xã, để lo cái ăn, cái mặc cho cả nhà.
Rồi chị lấy chồng. Chị về làm dâu cho một điền chủ nổi tiếng đất Tây Ninh. Ai cũng tưởng phen này chị đổi đời rồi. Nhưng không phải. “Gia quy” bên chồng chị khá là khe khắt: buộc tất cả các con khi thành gia thất đều phải tự tạo lấy cơ nghiệp cho mình, cha mẹ chỉ hướng dẫn và hỗ trợ khi cần thiết. Chị hơi bị “sốc” khi biết sự thật này, mãi sau này chị mới nhận ra: “Cũng chính nhờ cách giáo dục nghiêm khắc của cha chồng, mà chị mới có thể khôn lớn và vững vàng chèo lái gia đình nhỏ của mình trong nhiều hoàn cảnh nghiệt ngã hơn trong cuộc sống…”- chị tâm sự.
Sau 30.4.1975, giống như nhiều người dân lúc bấy giờ, gia đình chị Nhàn lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Người đàn bà một nách hai con nhỏ, hết chạy chợ, xuống đồng, lên rẫy thu mua nông sản, lại đi làm công nhân cho nông trường cao su. Nói sao cho hết những cay đắng, khổ cực, tủi buồn… gian khó, chịu đựng lắm mà không sao vượt qua được số phận. Đã có lúc chị thành kẻ trắng tay, phải ôm con về tá túc nhà mẹ ruột, cắn răng xây dựng lại cơ nghiệp.
Trời cũng thương. Sau nhiều cố gắng của vợ chồng chị, kinh tế gia đình cũng được vực dậy. Trong cuộc sống hằng ngày, chị chắt chiu dành dụm từng đồng, vậy mà nghe ai đó có khó khăn, thiếu thốn hơn mình là chị tìm tới, dẫu có khi chỉ tặng được một phần quà xuân nho nhỏ hay góp cho người chút ít tiền chữa bệnh. Chị nói: “Nhiều người nói phải đợi đến khi nào có của ăn của để, mình lo cho gia đình đầy đủ rồi mới tới người khác. Tôi không nghĩ vậy. Mình có nhiêu thì giúp bấy nhiêu, lo được chừng nào hay chừng ấy chứ chờ cho giàu thì biết chừng nào?”. Chính vì vậy mà tính từ năm 2002 đến nay, chị Nhàn đã trợ giúp cho nhiều người lớn, trẻ em… có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh- từ tiền đóng viện phí đến chiếc xe lăn... đỡ bớt gánh nặng cho hàng trăm bệnh nhân nghèo, trong đó có những người mắc bệnh hiểm nghèo.
![]() |
Chị Nhàn trong buổi lễ nhận giải thưởng KOVA |
Đâu chỉ vậy. Để giúp những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng của tỉnh được yên tâm chữa bệnh, không phải lo cái khoản ăn uống vừa tốn kém vừa không bảo đảm vệ sinh, từ tháng 7.2011, chị Nhàn đã tự bỏ tiền ra xây dựng bếp ăn từ thiện tại đây với tổng chi phí là 250 triệu đồng. Chị còn trả lương cho 2 người phụ trách việc nấu nướng để phục vụ cơm nước miễn phí cho bệnh nhân. Mỗi ngày, bếp ăn từ thiện này phục vụ từ 90 đến 100 suất cơm. Tổng chi phí hằng tháng khoảng 15 triệu đồng. Nhiều người hảo tâm, thấy có bếp ăn từ thiện của chị Nhàn cũng xin đóng góp- người bao gạo, bịch đường, kẻ ký cá, mớ rau… Người có tâm nhưng không tiền thì xin vào phụ rửa chén, lặt rau… làm xong thì cứ lặng lẽ ra về.
Hầu như chương trình từ thiện nào của tỉnh, chị Nhàn cũng tham gia: ủng hộ quỹ học bổng Trần Thị Sanh, quỹ khuyến học, hỗ trợ kinh phí cho Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi… mỗi năm tính ra cũng khoảng 200 trăm triệu.
Như thế, chị vẫn cảm thấy chưa đủ, chưa thấm gì, vì đi đâu cũng thấy người nghèo, kẻ khó. Một cây làm chẳng nên non… chị nghĩ đến việc thành lập một câu lạc bộ phụ nữ từ thiện. Ý tưởng của chị được lãnh đạo tỉnh đồng tình, ủng hộ. Thế là từ tháng 5.2012, Câu lạc bộ Phụ nữ từ thiện trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Tây Ninh- do chị Nhàn làm chủ nhiệm ra đời (Báo Tây Ninh đã có đưa tin về câu lạc bộ này) với 13 thành viên ban đầu.
Theo kế hoạch, mỗi thành viên CLB sẽ đóng góp vào quỹ này tối thiểu 3 triệu đồng/tháng, dùng khoản tiền này trợ vốn làm ăn cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất 20 triệu đồng. Khoản tiền này sẽ được trao tận tay cho các chị em khó khăn, vừa để tháo gỡ khó khăn, vừa là điều kiện kích thích giúp vươn lên trong cuộc sống. Đó có thể là con trâu, con bò sinh sản. Có thể là cái quán tạp hoá nho nhỏ… để người nhận vốn tập tính toán làm ăn, cần kiệm để thay đổi cuộc sống của mình.
Bữa cùng chị và một số thành viên CLB trao vốn cho một gia đình ở Châu Thành, tôi đã rưng rưng vì xúc động. Gia đình được trao vốn là hai vợ chồng có 2 con còn nhỏ, chưa học cấp một. Cả hai đều không có nghề nghiệp ổn định. Chồng làm thợ đụng, ai kêu gì làm nấy. Vợ ở nhà đi bán vé số hay lột vỏ hột điều. Họ đã được tặng một căn nhà tình thương cách đây vài năm. Có cái nhà tạm che mưa nắng chứ cuộc sống của họ vẫn cứ bấp bênh. Hai vợ chồng đều hư mỗi người một con mắt, và có nguy cơ hư luôn con còn lại, mà vì không tiền, họ không thể chữa bệnh kịp thời. Chị Nhàn nghẹn ngào: “Bởi vậy, nếu không đến tận nơi mà chỉ ủng hộ qua phong bì, thì những việc như vầy mình đâu biết được…”.
Hôm đó, ngoài con trâu cái, gia đình họ còn được tặng thêm 1 triệu đồng và lời dặn dò: cần phải đi khám mắt kịp thời. Chị sẽ giúp chi phí khám chữa bệnh này nếu phải lên tuyến trên. “Ráng chăm sóc con trâu nhe em. Con trâu là đầu cơ nghiệp… Kẹt lắm mới nên bán, còn thì ráng nuôi để nó sinh sôi nẩy nở ra. Mỗi ngày chịu khó một chút rồi biết đâu mai này đời sẽ khác…” - Chị Nhàn ân cần dặn hai vợ chồng như dặn người thân.
Đáng buồn, là tai ách họ vẫn còn. Lần khám mắt mới đây cho thấy, đôi mắt của hai vợ chồng không thể hồi phục được, kể cả khi phải thay giác mạc!
Những ngày cuối năm, nắng hanh và gió lạnh. Giữa những tất bật xô bồ, tôi chợt nghe lòng mình mát dịu bởi những điều giản dị nghe từ chị: “Thật ra, việc chị làm đâu có gì để khoe. Đó chỉ là việc xuất phát từ cái tâm của mỗi người mà thôi…”.
Nhưng, cái gọi là việc từ cái tâm đó, đâu phải ai cũng làm được.
Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc