Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trong tim người Tây Ninh và cả nước

Thứ sáu - 21/12/2012 00:00 92 0
“Một đời người ít ra phải về Tây Ninh một chuyến. Rón rén mà về. Thương mà thăm viếng!”

 

Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm Khu Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ngày 29/1/2007 (nguồn internet)

 

Đó là hai câu trong bài thơ “Về Tây Ninh” của nhà thơ Hưởng Triều, tức Trần Bạch Đằng, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Cục trong kháng chiến chống Mỹ, đăng trên Báo Tây Ninh khi ông cùng các vị lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo Trung ương Cục về Tây Ninh dự Hội nghị tổng kết chiến tranh đầu thập niên 1980 của thế kỷ trước. Cũng trong lần về Tây Ninh cuối năm 1983, đi thăm những chiến khu cách mạng trên rừng Chàng Riệc, nhà thơ Xuân Diệu đã viết bài: “Tây Ninh mỗi chốn tôi đi”, có những câu sau: “Tôi tới soi gương vào giếng cũ trong rừng/Có thể lẫn hình cây, không thể lầm dáng nước/ Con mắt trời con mắt đất nhìn ta…”. Các căn cứ kháng chiến ở Tây Ninh không chỉ có trong tim các nhà thơ, mà còn ở trong trái tim người dân cả nước.

Đôi dòng lịch sử:

Có thể nói ngay rằng, các khu rừng ở Tây Ninh hiện tại đều có thể coi là những “bảo tàng mở”, nơi để lại những dấu tích không bao giờ phai mờ về các cuộc kháng chiến giành độc lập tự do của dân tộc. Những căn cứ nổi tiếng nhất là khu Dương Minh Châu, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, chiến khu Bời Lời…và còn vô vàn các căn cứ khác của các lực lượng cách mạng địa phương, trên núi Bà Đen, ở khắp các huyện, thị trong tỉnh. Tất cả đều thuộc về  những khu rừng “giồng”, trước chiến tranh từng bao phủ những vùng bình nguyên bán sơn địa miền Đông Nam Bộ. Địa thế và đặc điểm tự nhiên đã tạo cho rừng miền Đông một lợi thế đặc biệt cho việc thiết lập hệ thống hoàn chỉnh các căn cứ kháng chiến trong cuộc chiến tranh giải phóng kể cả về chiến lược và chiến thuật. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, căn cứ Bắc Tây Ninh đã thành căn cứ vững chắc và lâu dài của Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy Miền.

Sau Hiệp định Geneve tháng 7.1954, cơ quan trực tiếp chỉ đạo các mạng Miền nam là xứ ủy Nam bộ. Vào tháng 9.1959, một sự kiện quan trọng đã diễn ra ở Trảng Chiên thuộc khu rừng á nhiệt đới Rùm Đuôn. Xứ ủy Nam bộ mở hội nghị mở rộng quán triệt 15 của Trung ương Đảng. Hơn 3 tháng sau, cuộc Đồng Khởi long trời lở đất đã diễn ra trên toàn Nam bộ, trong đó vang rền chiến thắng Tua Hai, phát súng lệnh mở đầu cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. Tháng 1.1961, Bộ Chính trị quyết định thành lập Trung ương Cục chọn khu rừng Rùm Đuôn (nay còn gọi là rừng Chàng Riệc) làm căn cứ. Nơi này từng được xây dựng chu đáo và nghiêm mật với tài năng sáng tạo tuyệt vời của cán bộ chiến sĩ Quân giải phóng. Các trảng trống gần căn cứ được cắm những thân cây vạt nhọn cao 5-6 mét chống được trực thăng đổ bộ. Chung quanh khu căn cứ tạo lớp hàng rào bằng chính những cây rừng cưa không đứt hẳn để cây vẫn sống, lá vẫn tươi xanh. Nơi nào cây thưa, chiến sĩ ta leo lên buộc ngọn cây vào nhau, tạo nên những vòm xanh che chắn tầm nhìn của máy bay trinh sát Mỹ. Bên trong là cả một hệ thống liên hoàn các hầm, goa thông hào, nhà ở và làm việc của các cơ quan và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục. Ngoài ra còn có giếng nước, bếp Hoàng Cầm phục vụ hậu cần. Các đồng chí còn trồng thêm nheièu loại cây như khế, bưởi, rau xanh cải thiện thêm cho cuộc sống. Đến nay, những cây ăn trái ấy vẫn còn và trở thành cổ thụ. Nhà ở, cột kèo và các dụng cụ như giường, bàn ghế, đều làm từ cây rừng, nguyên thân và vừa kích cỡ. Mái nhà lợp lá trung quân - một loại lá khó bắt cháy có rất nhiều ở rừng Đuôn. Lá trung quân chỉ lớn hơn bàn tay người lớn, được kết lại bằng những nẹp tre rồi buộc xếp lớp lên nhau thành mái. Để lâu, mái có màu đồng cỏ, trông như mái ngói.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Trung ương Cục bị địch chà đi xát lại bằng bom pháo, càn quét liên miên, nhất là giai đoạn 1962 – 1972. Sau này, địch còn dùng máy bay B52 ném bom rải thảm, rải chất độc hóa học. Những lúc nguy hiểm nhất thì Trung ương Cục tạm sơ tán đi nơi khác, nhưng khi tạm yên lại trở về căn cứ, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân miền Nam đập tan mọi âm mưu chiến lược của kẻ thù, góp phần làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng trong mùa xuân 1975 lịch sử.

Về Nguồn

Khu di tích căn cứ Trung ương Cục nằm trên địa bàn huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đã được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 31.8.199. Ngân sách Trung ương cũng như các tỉnh miền Nam đã đòng góp cho việc phục hồi, trùng tu tôn tạo giai đoạn 1 các công trình tại trung tâm có diện tích 70 ha trong rừng Chàng Riệc, cách thị xã Tây Ninh 62km, trong đó 16km xuyên rừng.  Các công trình tôn tạo gồm hàng ngàn mét giao thông hào, công sự, hầm chữ A, bếp Hoàng Cầm, nhà ở, hội trường làm việc đúng theo kích thước thật, có đủ các đồ dùng và các phương tiện làm việc của các đồng chí lãnh đạo ngày trước. Công trình đã được hoàn thành ngày 13.4.1994 sau gần 2 năm thi công. Ngay sau đó, khu di tích đã trở thành khu điểm du lịch về nguồn của cán bộ, chiến sĩ, và nhân dân ta ở khắp nơi trong nước, đặc biệt là lớp thanh niên và cựu chiến binh TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông. Cùng với các di tích được tôn tạo phục hồi sau đó như Căn cứ Mặt trận, Chính phủ cách mạng lâm thời, Ban An ninh Miền, đã tạo nên một quần thể di tích cách mạng trên đất miền Tây Ninh lịch sử.

Vào giữa năm 2002, Nhà nước lại quyết định nâng cấp trùng tu tôn tạo khu di tích với số vốn hơn 6 tỷ đồng. Công trình bao gồm: khu vuẹc tập trung các di tích gốc, khu tưởng niệm xây mới và khu bảo tồn cảnh quan tự nhiên như rùng nguyên sinh, bến tắm, suối nước…Mục tiêu là tái hiện lịch sử một cách chân thực và sinh động, đồng thời phải thể hiện được tính hoành tráng ở những công trình mới nhằm nêu bật tầm vóc của Căn cứ Trung ương Cục miền Nam – một khu di tích thiêng liêng nhất trong quần thể di tích các cơ quan đầu não Cách mạng miền Nam trong kháng chiến. Công trình đã được khánh thành vào ngày 8.1.2005, sau 44 năm kể từ ngày thành lập Trung ương Cục miền Nam. Từ đấy đến nay, di tích Căn cứ Trung ương Cục đã thực sự trở thành niềm tự hào của người Tây Ninh khi muốn giới thiệu về quê hương Tây Ninh trung dũng kiên cường. Bạn bè cả nước cũng nhờ thế mà biết đến Tây Ninh. Mỗi năm có hàng trăm ngàn du khách về đây bằng mọi cách; thăm thú, nghiên cứu rồi đi; tổ chức giao lưu gặp mặt truyền thống các đơn vị cũ trang và Dân Chính Đảng; cắm trại của thanh thiếu niên trong các dịp hè hay lễ, tết…Cả những cựu chiến binh dắt con cháu về thăm nơi mình từng sống và chiến đấu. Có những cơ quan, đơn vị đã có sáng kiến về đây làm lễ kết nạp đảng viên mới. Đơn vị đầu tiên tổ chức loại hình này là Nhà Văn hóa Thanh niên TP. Hồ Chí Minh. Sau đấy, nhiều cơ quan trong ngoài Tây Ninh làm theo. Trong số các đoàn viên về căn cứ cũ, còn có nhiều khách nước ngoài đến từ nhiều nước. Nhưng, với các cựu chiến binh Mỹ thì họ đi sâu tìm hiểu làm sao mà chỉ có cột tạp cây rừng, mái lá trung quân mà cơ quan lãnh đạo kháng chiến này đã trụ bám được dưới mưa bom, bão đạn, mà có lúc tập trung cao độ như ở trận càn Junction City của 45.000 quân Mỹ và hàng vạn quân chư hầu- cùng hàng ngàn phi pháo hiện đại bậc nhất Hoa Kỳ.

 Người Tây Ninh đã sớm nhận thức được Căn cứ Trung ương Cục là một báu vật thiêng liêng. Do vậy ai ai cũng có ý thức giữ gìn cho rừng nơi đây vẹn nguyên sinh thái như thưở trước. Rừng vẫn xanh, cao thăm thẳm với dáng cây Kơ-nia quắc thước giữa mây trời, với bằng lăng lấp lánh sáng thân cây và suốt cả mùa khô cứ nở đầy hoa tím. Lá trung quân vẫn phấp phới như bàn tay chào vẫy ven đường. Và, dây leo vấn vít, hoa dại đỏ lập lòe dưới gốc cây to. Trên cao, đôi khi sẽ gặp một nhánh lan rừng nở trắng.

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã nằm trong trái tim người Tây Ninh và cả nước. Một tập quán mới đã hình thành: Những cuộc hành hương về nguồn, không kể mùa Xuân, hay mùa lễ hội như ở núi Bà, mà sẽ là bất tận từ hôm nay cho tới mai sau.

Theo Báo Tây Ninh

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây