Trước diễn biến phức tạp của hoạt động buôn bán người, trên địa bàn cả nước và trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong thời gian gần đây. Theo số liệu của các ngành chức năng trong 6 tháng đầu năm 2014, trên phạm vi cả nước các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 300 vụ với 651 nạn nhân bị mua bán tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2013. Riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong 6 tháng đầu năm 2014, Công an tỉnh đã triệt phá 5 đường dây môi giới hôn nhân trái phép, bắt 34 đối tượng, giải cứu 21 nạn nhân bao gồm cả người trong và ngoài tỉnh, và mới đây nhất trong tháng 9/2014 Công an tỉnh Tây Ninh vừa triệt phá đường dây mua bán người ra nước ngoài, bắt giữ bốn nghi can gồm Phạm Thị Thu Linh (ngụ xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu), Lưu Vĩ Tân (tự Quang, ngụ phường 8, quận 6, TP.HCM) cùng hai người nước ngoài có liên quan để điều tra hành vi mua bán người.
Tội phạm mua bán người là loại tội phạm nguy hiểm và độc ác, mất nhân tính, hậu quả của nó để lại cho nạn nhân và người thân trong các vụ án mua bán người vô cùng nặng nề và nghiêm trọng. Vì vậy các cấp chính quyền và toàn xã hội cần chủ động ngăn chặn loại tội phạm này để hạn chế, triệt xóa nó, giữ gìn trật tự trị an xã hội, giữ gìn hạnh phúc của từng gia đình, để không còn cảnh chia lìa với những nỗi đau khắc khoải chờ người thân.
Để thực hiện hiệu quả công tác này cần có sự vào cuộc đồng bộ, thường xuyên của các cấp, các ngành và toàn xã hội, phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em trong giai đoạn hiện nay.
Xác định phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em là vấn đề mang tính xã hội cao, lấy phòng ngừa là chính; các sở, ban, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền với nhiều hình thức và nội dung phong phú, để mọi người thấy được thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm, trách nhiệm của các tổ chức, gia đình và của mọi người dân, từ đó chủ động phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn.
Quản lý chặt chẽ số đối tượng đã có tiền án, tiền sự, trong đó chú ý tới các đối tượng liên quan đến hành vi buôn bán phụ nữ và trẻ em, chứa chấp, môi giới mại dâm, môi giới hôn nhân, cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài không để cho đối tượng tiếp tục phạm tội.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để gia đình và chị em phụ nữ có nhận thức đúng đắn về kết hôn với người nước ngoài, nâng cao ý thức dân tộc, giữ gìn truyền thống, phẩm giá của người phụ nữ Việt Nam.
Sửa đổi bổ sung nhằm kiện toàn hành lang pháp lý giúp nâng cao hiệu quả đấu tranh và phòng ngừa tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em.
Tạo công ăn việc làm: Khi có công ăn việc làm đầy đủ, không quá bị thúc bách về vấn đề thu nhập, con người sẽ không bị rơi vào tình trạng "nhắm mắt đưa chân". Hơn nữa, có việc làm không chỉ giúp con người có thu nhập mà còn tăng thêm cho họ nhận thức và sự hiểu biết về mọi mặt, trong đó có nhận thức về các hoạt động lừa đảo nói chung và lừa gạt phụ nữ, trẻ em nói riêng.
Nâng cao năng lực nhận biết và phòng ngừa: thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng ngừa cho người dân địa phương, nhất là những phụ nữ và trẻ em dễ bị lôi kéo, lừa gạt. Các hoạt động truyền thông cần được thực hiện thông qua các câu lạc bộ phòng chống buôn bán người, tư vấn cá nhân và các cuộc họp cộng đồng, nhất là nên được tiến hành ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Và đặc biệt để những quy định của pháp luật đến được từng người dân, để bà con biết luật, hiểu luật, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, ngoài hình thức tuyên truyền bằng loa, đài, chính quyền, các đoàn thể địa phương cần tổ chức các đợt cán bộ trực tiếp đến địa bàn, cơ sở, đến từng gia đình phổ biến nội dung của các văn bản luật; giải đáp những thắc mắc của bà con về chế độ, chính sách, pháp luật.
Những việc làm đó góp phần tăng niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ địa phương, giúp chính quyền thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý Nhà nước ở địa phương; tham gia tích cực vào việc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và các hành vi mua bán ngưới trên địa bàn.
Bảo Ngọc