Công trình chào mừng Kỷ niệm 40 năm chiến thắng 30.4: Biểu trưng Tây Ninh

Thứ sáu - 24/04/2015 10:00 127 0
Biểu trưng Tây Ninh! Sẽ còn nhiều chuyện để bàn. Khen nhiều, mà chắc là chê cũng có. Nhưng từ các góc nhìn vào sáng ngày 23, như ở đầu đường Trần Quốc Toản nhìn vào thì đẹp quá. Đây cũng là góc nhìn của thành phố Tây Ninh hướng về núi.

​​​bieu trung.JPG

Biểu trưng từ góc nhìn đường Trần Quốc Toản.

Hình khối của biểu trưng nay đã lộ diện rồi! Từ ngày 22.4.2015. Sau hơn ba tháng cái vòng xoay "Bách hoá" ấy kín bưng trong cái vòng tròn quây bằng tôn thép. Nói cho chính xác, thì phải sáng ngày 23, người đi làm mới lại trở về các tuyến đường quen thuộc quanh vòng xoay, để tận mắt nhìn các hình khối biểu trưng. Còn ngày 22 cấm đường để cho hai chiếc cần cẩu tha hồ xoay trở, nhấc lên, hạ xuống những cấu kiện thép vào lắp ráp.

Thế là, cùng với cánh thiệp mời dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Tây Ninh, lần đầu tiên in hình biểu tượng Tây Ninh bay đi khắp nước; thì khối tượng đài biểu trưng cho đất và người Tây Ninh cũng hiên ngang "đội trời, đạp đất" giữa dòng đời hối hả ngược xuôi. Từ đây! Là đường lên Tân Biên có những căn cứ đầu não, chỉ huy cách mạng miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ.

Cũng từ đây, theo đại lộ 30.4 về phía Bắc là huyện Tân Châu nay bát ngát mì, mía, cao su nhưng vẫn ôm chứa di tích Đồng Rùm- Căn cứ Xứ uỷ Nam bộ đứng chân thời kháng chiến chống Pháp. Rẽ về Đông theo đường Cách Mạng Tháng Tám là sang huyện căn cứ địa Dương Minh Châu, mang tên vị Chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến hành chính, Đại biểu Quốc hội đầu tiên của Tây Ninh khoá I năm 1946.

Năm sau thì ông đã hy sinh. Nay biểu tượng cho huyện là cả một hồ nước 270 cây số vuông, hồ thuỷ lợi lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Từ ngã tư này, rẽ về Tây là tới huyện Châu Thành. Huyện như một bà mẹ đã sinh ra tất cả các huyện, thị ở phía Bắc tỉnh Tây Ninh. Nay mẹ vẫn gầy gò, khiêm tốn nhìn đàn con mình, trong đó có TP.Tây Ninh đang vụt lớn.

Vẫn còn một nẻo đường nữa, nhỏ nhưng không thể không nhắc đến. Đấy là nẻo vào núi Bà, đường đi Tân Châu rẽ phải qua Ninh Sơn, Ninh Thạnh, đường mang tên căn cứ năm xưa của Tỉnh uỷ: Bời Lời. Đấy là lối mà chính cái biểu trưng Tây Ninh đang hướng tới. Như những người con quê núi đang tìm về với nguồn cội, tổ tông.

Biểu trưng Tây Ninh! Sẽ còn nhiều chuyện để bàn. Khen nhiều, mà chắc là chê cũng có. Nhưng từ các góc nhìn vào sáng ngày 23, như ở đầu đường Trần Quốc Toản nhìn vào thì đẹp quá. Đây cũng là góc nhìn của thành phố Tây Ninh hướng về núi. Hiện lên khối hình rõ ràng núi Mẹ, núi Con (Hay là Bà với Cậu theo cách gọi dân gian).

Đi vòng quanh để đến các ngả đường, thì có lẽ từ đâu nhìn tới cũng đều "ổn" cả. Từ Cách Mạng Tháng Tám nhìn sang, thấy 7 chữ A vút nhọn, cao dần như muốn tạo đà cất cánh cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phía đằng sau.

Từ phía Tây nhìn lại đằng Đông, lại thấy các khối thép trở nên tương phản nhẹ nhàng với cái phông nền là rừng cây cổ thụ của Công viên 30.4. Lên đại lộ 30.4 nhìn về, lại thấy khối thép trở thành một tam giác đều, với đủ các thanh thép như các ngón tay đan, nhỏ dần về phía sau tạo cảm giác thân thiện và đón chào cởi mở.

Xin nói thêm là: trong 7 khối thanh thép chữ A kích thước khác nhau, đỉnh ngọn tháp cao nhất là 12 mét, tính từ mặt đường. Vòng tròn hồ nước bên dưới có đường kính là 30 mét.

Nhưng! Thép mới chỉ là gần phân nửa thôi, thưa quý bạn đọc. Nửa dưới sẽ ít thấy hơn vào những ngày đang hoàn thiện trước 30.4.2015. Vì đấy là một hồ nước tròn, nơi toàn bộ tháp sẽ "mọc lên", soi bóng mình cùng với mây trôi trong vài ngày tới.

Thì cứ tưởng tượng trước, vào đêm lễ kỷ niệm 29.4 đi. Lúc ấy sẽ đầy đủ cả. Các ngọn tháp biểu trưng rừng rực đèn đêm và soi trong bóng nước hồ tròn. Nhờ thế, chắc sẽ còn lộng lẫy và rực rỡ gấp đôi gấp ba ấn tượng lúc ban ngày ta thấy. Chắc chắn là những phân tích trên đây còn thiếu sót.

Nhưng chỉ cần có hai yếu tố này thôi, đã đủ yên tâm về biểu trưng này. Hai yếu tố ấy là: núi và nước. Là vì trong cuốn Gia Định thành thông chí, quyển 2: Sơn Xuyên chí; Quan Thiếu bảo Cần chánh Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức đã viết từ khoảng trước năm 1820 có đoạn: "Núi là xương của đất, nước là máu của đất, ấp ủ lưu thông để làm ra đất đai một phương. Những người anh hùng hào kiệt, trung thần liệt nữ cũng từ đó mà sinh ra…". Thật là đúng với đất và người Tây Ninh: Trung dũng - Kiên cường.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây