Cảnh báo cơn sốt rác ngoại tái phát

Thứ tư - 30/07/2014 00:00 62 0
Thời gian gần đây, nhiều vụ nhập lậu rác liên tiếp bị phát hiện, khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng cơn sốt nguy hiểm "làm bẩn đất nước" đã đến hồi tái phát?

 

Cách đây gần chục năm, nhiều vụ nhập lậu rác có xuất xứ từ nước ngoài (bao gồm rác công nghiệp, rác điện tử, thậm chí cả rác sinh hoạt) với quy mô lớn khi bị phanh phui đã gây sự bất bình trong dư luận cả nước. Một thời gian sau đó, thấy rõ những hậu quả nguy hại của loại "hàng hóa" nguy hiểm này, các cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc và tình trạng trên đã hạ nhiệt dần. Tuy nhiên, hiện nay việc nhập lậu rác liên tục bị phát hiện.

Lộ mặt những nhà nhập khẩu rác

Cuối năm 2013, hình ảnh hơn 3.000 công-te-nơ quá thời hạn làm thủ tục, trong đó có nhiều chiếc chứa rác thải công nghiệp nguy hại, gồm: Ắc quy chì, cao su, nhựa phế thải, thiết bị điện tử hay nội tạng động vật… xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến không ít người rùng mình ghê sợ.

Từ đó đến nay, các cơ quan Hải quan, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tiếp tục khám phá nhiều vụ buôn lậu mặt hàng nguy hiểm này bằng đường biển về tiêu thụ trong nước.

Theo báo cáo của các đơn vị, rác được nhập về khá phong phú chủng loại, nhưng nhiều nhất vẫn là động cơ nổ, phụ tùng cơ khí, linh kiện máy vi tính, đồ điện gia dụng cũ… Một trong những "nhà nhập khẩu rác" lớn nhất mà cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian đầu tháng 7-2014 là Công ty Cổ phần Phát triển xăng dầu Thái Dương (Hải Phòng).

Sự vụ bắt đầu từ việc Cục Cảnh sát chống tội phạm về môi trường phối hợp với Công an Hải Phòng tiến hành kiểm tra một doanh nghiệp tại Hải Phòng, phát hiện tại kho bãi và nhà xưởng có khoảng 340 tấn linh kiện, thiết bị điện tử đã qua sử dụng, trong đó, 3 công-te-nơ  là chất thải nguy hại. Lần theo manh mối của chủ sở hữu, cơ quan chức năng biết được 3 công-te-nơ hàng hóa đang xuống hàng tại kho bãi của công ty này thuộc tờ khai của một doanh nghiệp khác, cùng đóng trên địa bàn Hải Phòng.

Tiếp tục điều tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, trước đó, doanh nghiệp này đã khai báo hải quan lô hàng 20 công-te-nơ là sắt thép phế liệu được nhập khẩu theo ủy thác của một công ty luyện cán thép ở Sóc Sơn, nhưng trên thực tế chỉ có 2 công-te-nơ  là hàng khai báo đúng, còn lại 18 công-te-nơ là các linh kiện điện tử, vi mạch điện tử... đã qua sử dụng.

Trước đó, trong hai tháng 5 và 6-2014, hàng trăm tấn hàng phế liệu đã bị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện từ các lô hàng nhập khẩu qua cảng Sài Gòn. Điển hình là vụ ngày 28-5, lực lượng chức năng của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra 4 công-te-nơ  phế liệu nhập khẩu, phát hiện hơn một nửa số phế liệu (khoảng 27 tấn) bao gồm bo mạch, linh kiện cũ nát được thải ra từ máy vi tính cũ, dính nhiều đất cát không khác gì rác thải. Lô hàng này do một doanh nghiệp có trụ sở tại Bến Cát, Bình Dương làm thủ tục nhập khẩu. Theo khai báo hải quan của doanh nghiệp này thì trong 4 công-te-nơ là thép phế liệu, đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định.

Cuối tháng 4-2014 vừa qua, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện và buộc tái xuất 8 công-te-nơ (166,3 tấn) phế liệu nhập khẩu không đạt chất lượng. Số hàng này được một doanh nghiệp trên địa bàn đưa về cảng Phước Long, Thủ Đức vào tháng 3-2014. Khi làm thủ tục doanh nghiệp khai báo là phế liệu đã được xử lý theo yêu cầu bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, lực lượng chức năng kiểm tra thực tế thì thấy toàn bộ lô hàng là hàng phế liệu không đáp ứng tiêu chuẩn được phép nhập khẩu.

Ẩn họa khôn lường

Nhìn lại các vụ việc nêu trên, có thể thấy các loại rác công nghiệp, rác điện tử đa số là những sản phẩm đã lạc hậu về công nghệ ở dạng nguyên chiếc hoặc phế liệu nhưng vẫn còn khả năng sử dụng, tái chế. Về bản chất, nó là những thứ chất thải mà lẽ ra các nhà sản xuất ở nước ngoài phải bỏ tiền ra xử lý, nhưng vì đã tìm được kẽ hở ở các nước đang phát triển nên dùng mọi thủ đoạn để tống khứ đi, vừa được tiền, lại dễ dàng "phủi tay". Theo các chuyên gia về kinh tế, môi trường, những hậu quả từ việc rác ngoại xâm nhập vào Việt Nam từ trước đến nay là chưa thể đánh giá được.

Còn nhớ, thời điểm cuối tháng 7-2004, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 2508/BTNMT-VP yêu cầu Tổng cục Hải quan cùng các cơ quan chức năng và địa phương liên quan phối hợp ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng nhập khẩu rác thải có xuất xứ từ nước ngoài một cách bừa bãi.

Chỉ một thời gian ngắn khi văn bản trên có hiệu lực, cơn sốt rác ngoại tràn vào các cảng biển thuộc TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng đã bị chặn đứng. Thế nhưng, thời gian qua, nạn nhập lậu rác ngoại lại bùng phát.

Qua kiểm tra các lô hàng rác công nghiệp, rác điện tử bị phát hiện, bắt giữ cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều lợi dụng danh nghĩa nhập khẩu phế liệu để đưa các mặt hàng cũ bị cấm nhập (rác) như động cơ, lốp xe cũ, máy vi tính cũ, nhựa phế thải và nhiều mặt hàng có chứa hóa chất độc hại khác…

Điều đáng lo ngại là tình trạng nhập khẩu rác thải hiện đang rất phổ biến, nhưng số vụ bị phát hiện và bị buộc tái xuất còn rất ít, bởi các nhà sản xuất ở nước ngoài đã "trót" xuất rác thải khỏi quốc gia của họ làm sao dễ dàng chấp nhận tái nhập? Do vậy, khi buộc phải tái xuất và khắc phục hậu quả, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng nhiều chiêu bài tinh vi để trốn tránh trách nhiệm.

Qua các vụ nhập lậu rác ngoại vừa bị phát hiện, có thể khẳng định, dù Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào ngày 23-6-2014 vừa qua, trong đó có quy định phế liệu nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất phải do Thủ tướng quy định, nhưng sau thời điểm Luật này có hiệu lực, một số tổ chức, cá nhân lại tiếp tục tìm mọi cách lách luật để tuồn các mặt hàng cấm vào nước ta.

Trước tình hình rác ngoại đang đe dọa nền kinh tế và môi trường Việt Nam, các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục có những biện pháp hữu hiệu để đối phó. Bởi, theo các nhà bảo vệ môi trường thì "chuyển dịch chất thải" là một xu thế tất yếu đang diễn ra trên thế giới. Bất kỳ nước nào nếu mất "cảnh giác", chất thải lập tức sẽ tràn vào.

Bên cạnh các hình thức xử phạt nghiêm minh, cơ quan chức năng như Hải quan, Môi trường cũng cần có các biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền tác hại của loại rác ngoại trên các phương tiện thông tin đại chúng để các doanh nghiệp và người dân hiểu rõ hơn về vấn đề này, đồng thời kiên quyết buộc các doanh nghiệp phải khắc phục hậu quả đối với các lô hàng nhập khẩu vi phạm pháp luật ngay từ khi chúng mới vào cửa ngõ nước ta.

Theo Báo Biên phòng

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây