Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 dự kiến sẽ tổ chức vào ngày Chủ nhật, ngày 22/5/2016. Tuy nhiên, gần đây, trên internet xuất hiện nhiều trang mạng núp bóng “truyền thông xã hội”, đưa tin, giật tít rầm rộ, như “giúp phổ biến kiến thức cho người tự ứng cử và cử tri”, “thức đẩy quá trình dân chủ hóa”, “cung cấp các thông tin hữu ích về ứng cử, bầu cử dành cho các ứng cử viên tự do và cử tri”…Thực tế các nội dung của các bài viết trên là những thông tin mang tính chủ quan cá nhân, thông tin không đúng sự thật…Như một phản ứng dây chuyền, có kịch bản từ trước, một số trang mạng và báo, đài hải ngoại của tổ chức phản động ở nước ngoài (Đối thoại, Đàn chim Việt,…RFI,RFA…,đã từng đăng tải các tin, bài xuyên tạc về Đại hội lần thứ XII của Đảng), tăng cường đăng tải những bài viết có nội dung sai trái, xuyên tạc về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Một số người tự cho là “cấp tiến”, đã hô hào vận động tranh cử trên mạng, có nhóm lập facebook “Vận động ứng cử đại biểu Quốc hội 2016” nhưng hoạt động như một tờ báo điện tử, ngang nhiên cử người xưng là “phóng viên” đi phỏng vấn, viết bài “đánh bóng”, lăng xê một số người tự ứng cử thuộc nhóm “xã hội dân sự”.
Như vậy, các cá nhân này đã vi phạm các quy định của pháp luật như: điều 20, Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin điện tử trên internet; điều 65, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND: về hình thức vận động bầu cử, có hai hình thức: Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng (được quy định tại điều 67 của Luật này).
Một số trang mạng và đài, báo nước ngoài đưa ra các luận điệu xuyên tạc như: “Cuộc bầu cử này là không chính danh, chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”. Họ bày tỏ rõ ý định phá hoại cuộc bầu cử, “Hãy tranh cử để ít nhất là làm cho Đảng phải mệt hơn, tốn tiền đối phó” (!). Trên trang của cái gọi là “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, họ phát động “thảo luận đầu xuân” về tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đưa ra tuyên bố yêu cầu “xóa cơ chế Đảng cử, dân bầu”…
Theo nhiều ý kiến, chính những người đưa ra các luận điệu trên đã quên mất rằng, mỗi quốc gia có một thể chế chính trị khác nhau và ở Việt Nam, việc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cuộc bầu cử đã được hiến định rõ ràng trong điểm 1, điều 4, Hiến pháp năm 2013 “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Thông qua việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội ở một số các khóa gần đây cho thấy, tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII (năm 2007) có 30 người tự ứng cử, Quốc hội khóa XIII (năm 2011) có 82 người tự ứng cử. Số người tự ứng cử được lọt vào vòng chính thức để kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII (18%)cao hơn kỳ Quốc hội khóa XII (12%). Đáng lưu ý là, có người hai lần liền tự ứng cử đại biểu Quốc hội đều trúng. Tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV này, cả nước đã có hơn 100 người tự ứng cử, tăng nhiều hơn so với các nhiệm kỳ trước. Điều đó đã bác bỏ một số ý kiến quy chụp cho rằng, bầu cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam chỉ là sân chơi “độc diễn” của Đảng, không có cửa cho các ứng cử viên tự do (!).
Những ngày gần đây trên mạng xã hội và đài, báo nước ngoài xuất hiện nhiều thông tin về việc những người tự ứng cử bị “gây khó dễ”, “phân biệt đối xử”. Thậm chí có người còn cho rằng “đang có một chiến dịch “tẩy chay”, “đấu tố” những người tự ứng cử:…Vậy, sự thật là gì?
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, trong một số cá nhân tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV kỳ này, có người là thành viên Đảng Dân chủ Việt Tân, đã tham gia phiên điều trần tại hạ viện Mỹ; và đã tụ tập đông người trái pháp luật ở địa bàn công cộng quận Hoàn Kiếm (vi phạm Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ). Có người không tham gia tổ chức chính trị xã hội nào, nhưng lại hai lần bị Công an quận Hoàn Kiếm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính…Ngoài ra, còn có người tự ứng cử có nhiều phát ngôn, bài viết trên mạng xã hội có nội dung thiếu văn hóa, phản cảm, cổ vũ các đối tượng nhân danh và lợi dụng bảo vệ chủ quyền biển đảo, tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng. Thực tế này đã được chính quyền nơi cư trú ghi nhận xét vào lý lịch của người tự ứng cử không thể coi là gây khó dễ.
Từ nay đến ngày bầu cử, các thế lực thù địch sẽ vẫn phải tiếp tục xuyên tạc chống phá cuộc bầu cử. Để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, các cấp ủy đảng cần triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 51-CT/TW, ngày 04/01/2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo BTNO