Chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn đường bộ

Thứ năm - 20/07/2017 11:00 79 0
Nhằm lập lại trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa, ngăn chặn lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, nông thôn dọc các tuyến đường chính, tăng cường công tác quản lý nhà nước và lập lại kỷ cương pháp luật trong việc bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, ngày 18/7/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1632/QĐ-UBND về kế hoạch chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh.

​Theo Kế hoạch, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho UBND các huyện, thành phố xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ trước ngày 14/8/2017 và triển khai thực hiện bắt đầu từ ngày 15/8/2017 đến tháng 12 năm 2017. Đến cuối năm 2017, tổ chức họp sơ kết, rút kinh nghiệm và tổ chức triển khai thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh vào đầu năm 2018.

Sở Giao thông vận tải là cơ quan thường trực thực hiện Kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, Thanh tra đường bộ chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị phối hợp với chính quyền các địa phương trong công tác cưỡng chế, giải tỏa; chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ trong việc cắm mốc lộ giới theo quy định, đồng thời thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trong việc quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ; chỉ đạo Thanh tra giao thông chủ động phối hợp với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, các đơn vị quản lý đường bộ và các huyện, thành phố trong việc xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ, đấu nối trái phép, vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ của địa phương và Trung ương rà soát, phân loại và thống kê các công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ; Chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Quản lý đô thị, UBND xã, phường, thị trấn xây dựng và thực hiện kế hoạch giải tỏa các tuyến đường do địa phương quản lý, thông báo, tuyên truyền kế hoạch thực hiện giải tỏa đến tổ chức, cá nhân có công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ; Tổ chức thực hiện cưỡng chế giải tỏa các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ và các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường bộ. Trường hợp để xảy ra hiện tượng lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình tại địa phương thì Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an các huyện, thành phố bố trí lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; tham gia thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch chấn chỉnh lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Phối hợp với Thanh tra giao thông, đơn vị quản lý giao thông để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành việc tháo dỡ công trình vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm không chấp hành việc di dời, giải tỏa.

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu, chấp hành nghiêm chủ trương của tỉnh.

UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch và báo cáo kết quả gửi về Sở Giao thông vận tải trước ngày 15 của tháng cuối quý và trước ngày 01 tháng 12 hằng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15 tháng 12 hằng năm. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tập hợp gửi về cơ quan thường trực để tổng hợp tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp.

    Vũ Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây