Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, đã phần nào tháo gỡ khó khăn cho các xã vùng sâu, vùng xa, xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc. Các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế ... được tăng cường cải tạo, nâng cấp, phát huy được hiệu quả, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt biên giới. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được nhân dân địa phương hưởng lợi đồng tình ủng hộ, việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi, thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo theo từng năm. Quá trình thực hiện chú trọng phát huy hiệu quả giám sát của Ban giám sát cộng đồng.
Giai đoạn 2011-2015, Tây Ninh hỗ trợ phát triển sản xuất là 17.180 triệu đồng, hỗ trợ giống, vật tư phục vụ công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cho các hộ nghèo và cận nghèo thuộc các xã đặc biệt khó khăn bao gồm: bò sinh sản, heo, gia cầm, máy phun thuốc trừ sâu, máy cày, máy bơm nước, rơmooc máy cày, máy cắt cỏ. Đến tháng 9/2015, đã hỗ trợ 3.127 hộ nghèo, với tổng số 2.827 con gia súc, 49.334 con gia cầm, 265 máy móc thiết bị; Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng là 76.000 triệu đồng, đầu tư xây dựng 123 công trình khởi công mới bao gồm 106 công trình giao thông, 06 công trình thủy lợi; 05 công trình điện, 03 công trình văn phòng ấp, nhà văn hóa, 02 công trình giáo dục, 01 công trình chợ; 09 công trình duy tu bao dưỡng; Hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng là 720 triệu đồng thực hiện 18 lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở và cộng đồng với 1.720 học viên. Thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn đã trang bị, bổ sung những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao nhận thức pháp luật, nâng cao kiến thức quản lý đầu tư và kỹ năng quản lý điều hành để hoàn thành nhiệm vụ cho cán bộ, công chức cấp xã. Nâng cao năng lực của cộng đồng, tạo điều kiện cộng đồng tham gia có hiệu quả vào việc giám sát hoạt động về đầu tư và các hoạt động khác trên địa bàn.
Ngoài nguồn vốn hỗ trợ các xã thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân ở các xã biên giới còn được hỗ trợ đầu tư từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Trái phiếu Chính phủ, Chương trình 160 và Ngân sách địa phương. Bên cạnh việc xây dựng phương án lồng ghép từ việc cân đối ngân sách, tỉnh Tây Ninh còn huy động các nguồn lực khác từ các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình khác.
Chương trình 135 đã đi vào cuộc sống, đã phát huy được sự sáng tạo, ý chí, nguồn lực của người dân vùng khó khăn và của toàn xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng khó khăn, vùng biên giới. Để Chương trình thật sự phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, công tác giảm nghèo bền vững ở Tây Ninh thực hiện đồng bộ và tập trung vào các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về mục tiêu của chương trình, từ đó phát huy nội lực của từng địa phương; Huy động các nguồn vốn, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách và cơ chế đầu tư nhằm hỗ trợ cho người dân vùng khó khăn. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hạ tầng và hoàn thiện cơ cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Chăm lo giải quyết các chính sách xã hội nhằm ổn định đời sống nhân dân. Chú trọng phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường xã hội và con người; Củng cố hệ thống chính trị các cấp làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội của vùng.
Gia Huy