Trên địa bàn toàn tỉnh có 75 công trình cấp nước tập trung, trong đó Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý 69 công trình; UBND xã quản lý 06 công trình. Số công trình cấp nước tập trung hoạt động bền vững là 39 công trình, đạt tỷ lệ 52,00%.
Theo kết quả công tác cập nhật Bộ Chỉ số năm 2014, số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 97,02% dân số nông thôn toàn tỉnh. Tỷ lệ này tương đối đồng đều, cao nhất là huyện Gò Dầu đạt 100%. Số dân nông thôn sử dụng nguồn nước sạch đạt QCVN 02:2009/BYT đạt tỷ lệ 45,83%. Số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 83,70%. Các loại hình nhà tiêu chủ yếu của Tây Ninh là nhà tiêu tự hoại, nhà tiêu thấm dội phân bố ở các xã vùng thấp và các nơi tập trung dân cư; Nhà tiêu chìm có ống thông hơi hay nhà tiêu đào đơn giản, đào cải tiến tập trung tại các xã vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt. Toàn tỉnh có 28.303 hộ chăn nuôi, số chuồng trại chăn nuôi được xây dựng hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 83,37 %. Các công trình nhà tiêu chủ yếu do người dân đầu tư, trong năm 2014 UBND tỉnh đã triển khai đầu tư xây mới 286 nhà tiêu cho các hộ gia đình nghèo, chính sách. 100% trường học và trạm y tế khu vực nông thôn có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đang tiếp tục được triển khai mạnh mẽ; nhằm đảm bảo cho việc cấp, sử dụng nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh, các ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng nước các công trình cấp nước tập trung; Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và mở rộng các công trình cấp nước tập trung đồng thời tích cực vận động người dân tham gia sử dụng để phát huy tối đa công suất công trình nhằm phát triển bền vững, hiệu quả, đảm bảo chất lượng nước phù hợp môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thành Đặng