Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo

Thứ tư - 23/05/2018 15:45 33 0

Ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Đây là lần thứ năm ban hành Nghị quyết với nhận định môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia trong những năm gần đây tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng chưa bền vững và chưa đạt được mục tiêu đề ra, Nghị quyết xác định các cấp, các ngành cần nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực cụ thể:

 anhminhoa_internet.jpg

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

1. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu

Một là, về chỉ số Môi trường kinh doanh: Bên cạnh việc kiên định mục tiêu đến năm 2020, chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam ngang hàng với trung bình các nước ASEAN 4, Chính phủ đề ra các mục tiêu cao trên một số chỉ số cụ thể trong năm 2018 như: Tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới; khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.

Hai là, về cải cách điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành: Hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; xoá bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan xuống còn dưới 10%

Ba là, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.

Bốn là, Nghị quyết lần này bổ sung mục tiêu cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh ngành du lịch và Chỉ số Năng lực cạnh tranh ngành logistics thêm khoảng 10 bậc để đảm bảo tính toàn diện, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

2. Một số nhiệm vụ và giải pháp

Nghị quyết đề ra các nhóm giải pháp mang tính tổng thể và cụ thể khác nhau. Với nhóm nhiệm vụ mang tính thường xuyên giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện từ năm 2014 đến nay. các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo quyết liệt để tiếp tục nâng cao hiệu quả, như: Cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001, triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp... và chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ quản lý nhà nước; thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; thắt chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường liêm chính, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công vụ,...Với nhóm nhiệm vụ giao cho các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành về rà soát, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, cải cách các quy định về kiểm tra chuyên ngành; cần tổ chức thực hiện với quyết tâm và tinh thần cải cách cao nhất. Nghị quyết đã nêu rõ trách nhiệm, thời hạn, cách thức thực hiện, mục tiêu và kết quả cụ thể cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc thường xuyên của Lãnh đạo Chính phủ để đảm bảo hoàn thành.

Bên cạnh đó, Nghị quyết tiếp tục đề ra nhóm nhiệm vụ cụ thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ giao cho từng bộ, cơ quan, tổ chức liên quan. Các nhiệm vụ có thể được giao độc lập cho từng bộ, cơ quan, hoặc xác định một cơ quan chủ trì và các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện. Các nhiệm vụ rất đa dạng, từ việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định chính sách chung (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Nhà ở...), tới sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định thủ tục hành chính, phí, lệ phí trên một số lĩnh vực cụ thể..; nhiệm vụ triển khai thực hiện hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, phân loại và phối hợp giải quyết phản ánh, kiến nghị, phản biện chính sách của doanh nghiệp và người dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” giữa điện lực và các cơ quan quản lý nhà nước để tổ chức thực hiện đồng thời các công việc liên quan đến cấp phép; hay ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm, hàng hóa...

Trong nhóm này, với vai trò đầu mối theo dõi các chỉ số mới được bổ sung (Chỉ số Năng lực cạnh tranh ngành logistics, Chỉ số Năng lực cạnh tranh ngành du lịch), Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao các nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo hoàn thành mục tiêu cải thiện chỉ số đã xác định tại Nghị quyết. Bộ Giao thông vận tải cần rà soát, giảm chi phí cầu, đường, nhất là phí BOT; chuyển vị trí các trạm BOT có vị trí không còn phù hợp; thực hiện thu phí BOT tự động, không dừng. Nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch xây dựng cảng cạn (ICD) trên cả nước. Hỗ trợ các đơn vị vận tải thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các chủ hàng, đơn vị vận tải để tăng tỷ lệ vận tải hai chiều, nâng cao hiệu quả của các đơn vị vận tải. Thực hiện các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng logistics: phát triển vận tải thủy nội địa; xây dựng các cảng thủy nội địa có trang thiết bị hiện đại, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng; đề xuất các giải pháp nâng cấp và phát triển hạ tầng sân bay, vận tải hàng không; khuyến khích xã hội hóa đầu tư, quản lý, vận hành sân bay; phát triển sàn giao dịch logistics nhằm tối ưu hóa vận tải hai chiều hàng hóa, container; mở rộng công trình giao thông, kho bãi, trung tâm logistics trên các tuyến đường, hành lang kết nối các cảng biển và cảng thủy nội địa của Việt Nam với các quốc gia láng giềng; phát triển các trung tâm logistics hàng không, chú trọng trung tâm logistics kết nối cảng hàng không, phục vụ các mặt hàng đặc biệt; phát triển 03 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không phục vụ các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất...

Bên cạnh nhiệm vụ giao cho các bộ, cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, Nghị quyết giao Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; đánh giá độc lập việc thực hiện cắt, giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và chi phí cho doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục tổ chức hội nghị đối thoại giữa các cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư thương mại; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề khảo sát, đánh giá độc lập về chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nghiên cứu đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với một số lĩnh vực như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng,...; nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với các bộ, ngành và địa phương...

Để triển khai thành công Nghị quyết với các mục tiêu cao và các giải pháp mạnh mẽ, Chính phủ giao các bộ, ngành làm đầu mối theo dõi đối với 05 chỉ số: Môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo, Chính phủ điện tử, năng lực cạnh tranh ngành du lịch, năng lực cạnh tranh ngành logistics. Các bộ đầu mối chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện các chỉ số; tổng hợp kết quả thực hiện cải thiện các chỉ số; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chính sách, cơ chế, giải pháp, nhiệm vụ phát sinh để cải thiện các chỉ số được phân công. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ.

Với quyết tâm cao, các giải pháp mạnh mẽ và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hy vọng rằng các cấp các ngành đồng loạt vào cuộc để năm 2018 thật sự là một năm chúng ta tạo được bước đột phá, hoàn thành các mục tiêu đề ra trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.

Phương Nhi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây