Chấp hành pháp luật tố tụng hành chính

Thứ hai - 22/10/2018 09:00 94 0
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 10119/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính. 

Đồng thời có các giải pháp tăng cường năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ quản lý, tham mưu; chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm trong việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Xác định trách nhiệm, có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật các cá nhân, tổ chức ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính trái pháp luật là nguyên nhân phát sinh việc khiếu nại, khởi kiện.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ tham gia quá trình giải quyết vụ án hành chính và thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Rà soát, tổ chức thực hiện nghiêm túc, dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; chỉ đạo kiểm tra, xử lý trách nhiệm những cá nhân, tổ chức chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đối với những bản án có khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong quá trình thi hành phải khẩn trương có biện pháp giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo, không để kéo dài.

Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chấp hành Luật Tố tụng hành chính, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra công tác thi hành án hành chính, nhất là các địa phương có số lượng lớn các bản án hành chính phải thi hành, có nhiều vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Bộ Tư pháp rà soát, kiểm tra, kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức trong việc để tồn đọng 32 bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành; trao đổi với UBND tỉnh, thành phố, các bộ, ngành có liên quan có biện pháp giải quyết đối với bản án có khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong quá trình thi hành; báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trước ngày 31/12/2018.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổng kết, làm rõ những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, đề xuất các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục; rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, đề xuất sửa đổi, bổ sung, khắc phục tình trạng quy định tản mạn ở nhiều văn bản hướng dẫn nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, lưu trữ hồ sơ; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai thống nhất trong cả nước.

MT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây