Trao đổi với phóng viên báo, đài, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh Tây Ninh, ông Huỳnh Văn Quang nhấn mạnh, để lập danh sách chính thức những người ra ứng cử, không vì cơ cấu mà bỏ quên chất lượng, và cũng không vì chất lượng mà không đảm bảo cơ cấu.
Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh Tây Ninh Huỳnh Văn Quang trả lời phỏng vấn ngay sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai. |
Ông Huỳnh Văn Quang: Hội nghị Hiệp thương được xác định là một khâu rất quan trọng trong quá trình chuẩn bị bầu cử nói chung, và cũng là một trong những nhiệm vụ chính của MTTQ các cấp khi tham gia công tác bầu cử. Để chuẩn bị cho các bước hiệp thương, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh đã tổ chức tập huấn, triển khai, hướng dẫn cụ thể đối với MTTQ các huyện, xã (phường, thị trấn), kể cả các Trưởng ban Mặt trận ấp (khu phố) trên địa bàn tỉnh.
Đến giờ này, đối với tỉnh, việc tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai cơ bản đã hoàn thành, thoả thuận lập được danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV đơn vị tỉnh Tây Ninh và đại biểu HĐND tỉnh khoá IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Ở cấp cơ sở, tôi tin tưởng rằng, với việc chỉ đạo rút kinh nghiệm sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh, các huyện đã tập trung hướng dẫn cho các xã nỗ lực thực hiện tốt Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai.
PV: Thưa ông, trong việc tổ chức Hội nghị Hiệp thương, làm thế nào để người ra ứng cử đảm bảo tính đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân?
Ông Huỳnh Văn Quang: Hiệp thương là một quá trình trải qua nhiều bước, để đến Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba có được danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND, đúng về cơ cấu, thành phần, số lượng, đặc biệt là phải đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng để những người được đưa vào danh sách chính thức xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân.
Sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, chúng ta đã lựa chọn ra những cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu người ứng cử. Để lựa chọn ứng cử viên, ban lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức đánh giá sát sao, kỹ càng những người đủ tiêu chuẩn để giới thiệu, sau đó lấy ý kiến của cử tri nơi làm việc. Đây là bước lựa chọn, sàng lọc để Ban lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức mở Hội nghị mở rộng giới thiệu người ra ứng cử.
Sau hai lần hiệp thương, MTTQ phối hợp với chính quyền cùng cấp nơi cư trú (nơi làm việc, nơi công tác) của người ra ứng cử tổ chức lấy ý kiến cử tri địa phương.
Căn cứ trên cơ sở đó và những tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn cụ thể… qua các bước hiệp thương để lựa chọn những người xứng đáng được ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, có thể đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân.
Cần phải khẳng định rằng, để lập danh sách chính thức những người ra ứng cử, không vì cơ cấu mà bỏ quên chất lượng, và cũng không vì chất lượng mà không đảm bảo cơ cấu. Phải kết hợp hai yếu tố, trong đó quan trọng là tiêu chuẩn, chất lượng.
PV: Thưa ông, từ nay đến Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba, Mặt trận các cấp tiếp tục tập trung thực hiện những nhiệm vụ gì để hoàn thành tốt vai trò quan trọng của mình trong bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp?
Ông Huỳnh Văn Quang: Sau khi lập được danh sách sơ bộ những người ứng cử, để hoàn thành tốt các bước tiếp theo, từ nay đến thời điểm tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba (trong khoảng thời gian từ ngày 13 – 17.4.2016), Mặt trận các cấp cũng như các cơ quan liên quan cần quan tâm đến công tác tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú hoặc nơi làm việc, công tác của người ra ứng cử. Sau đó, tiến hành đánh giá tổng quát, ghi nhận những ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri, để đảm bảo đến Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba lựa chọn danh sách chính thức những người thật sự đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND để cử tri bầu.
Theo BTNO