Lợi dụng chính sách của Nhà nước đang thực hiện như Trồng mới 05 triệu ha rừng, Chương trình bảo vệ và phát triển rừng, Thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tự đặt ra tên các dự án “Hành lang xanh, Phủ xanh đất trống đồi núi trọc, Rà phá bom mìn...” để tuyên truyền; đưa ra hứa hẹn hấp dẫn như được cấp từ 20 triệu đến 30 triệu đồng/ha và người “môi giới” được hưởng từ 500 nghìn đồng đến 02 triệu đồng/ha khi dự án được giải ngân;
Khi đến quan hệ, gặp gỡ, các đối tượng giới thiệu là người của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...đến làm việc với UBND các tỉnh và doanh nghiệp để tạo lòng tin; đưa cá nhân và doanh nghiệp đến trụ sở của các cơ quan Nhà nước và ngân hàng nói đã nộp hồ sơ chờ giải ngân nhưng thực chất chỉ là gửi dịch vụ đảm bảo tại ngân hàng hoặc đưa cho đối tượng khác đã được bố trí sẵn;
Về nguồn vốn và cơ quan tài trợ: Đối tượng lừa đảo thường nói, đây là dự án của Chính phủ tuyệt đối bí mật không Bộ, Ngành nào biết, chỉ có chúng mới biết hoặc nguồn vốn do Chính phủ Mỹ, Nhật,...tài trợ; thuê trụ sở của cơ quan Nhà nước như nhà khách Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (số 1 Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội), nhà khách Chính phủ (số 37 Hùng Vương),...làm nơi giao dịch.
Việc tuyên truyền và thu gom thu gom sổ đỏ để hỗ trợ vốn trồng rừng xuất phát từ Công ty TNHH Chế biến, trồng trọt, chăn nuôi Thịnh An Khương (địa chỉ: 25 quốc lộ 14, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), Công ty này thuê nhà khách Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (số 1 Bắc Sơn) làm văn phòng đại diện. Sau đó, xuất hiện thêm nhiều công ty như: Công ty TNHH Văn Nguyên (Thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), Công ty Đầu tư, xây dựng, xuất nhập khẩu Phúc Thịnh (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội), Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển kinh tế rừng bền vững Toàn Cầu (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội), Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng nông lâm nghiệp Tôn Thọ (huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội)… Bằng việc tuyên truyền như trên đã có nhiều doanh nghiệp, cá nhân tin và đưa sổ đỏ cho các đối tượng thu gom nhưng không nhận được kinh phí hỗ trợ, phải đi lại nhiều lần, tốn kém tiền bạc nhưng đến nay vẫn chưa lấy lại được sổ đỏ. Đáng lưu ý là, có một số đồng chí lãnh đạo đang công tác tại các cơ quan, ban, ngành của Trung ương và địa phương giới thiệu các doanh nghiệp mang sổ đỏ nộp cho các đối tượng thu gom, vì tin đây là nguồn vốn hỗ trợ có thật.
Để cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng xấu, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 476/UBND-NC ngày 20/3/2013 yêu cầu các đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Giao nhiệm vụ Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Giám đốc các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thông báo phương thức, thủ đoạn có dấu hiệu lừa đảo trên cho cán bộ, công nhân viên chức ở cơ quan, đơn vị và lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành đoàn thể của huyện, thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn biết, cảnh giác; nếu phát hiện đối tượng đến địa phương đặt vấn đề có liên quan đến triển khai các dự án trồng rừng với các phương thức, thủ đoạn như trên kịp thời báo cáo cơ quan Công an biết, phối hợp xử lý.
Chỉ đạo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản chỉ đạo lãnh đạo các Ban quản lý rừng tổ chức sinh hoạt phương thức, thủ đoạn có dấu hiệu lừa đảo trên cho cán bộ, công nhân viên, các tổ chức, cá nhân nhận hợp đồng trồng rừng đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng (sổ đỏ) biết, cảnh giác.
Giao nhiệm vụ Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Tây Ninh thường xuyên đưa tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng có dấu hiệu lừa đảo nêu trên để nhân dân biết, cảnh giác.
Chỉ đạo Công an tỉnh chủ động nắm tình hình về hoạt động lừa đảo của đối tượng theo phương thức trên ở trong tỉnh, khi phát hiện xử lý kịp thời để ngăn chặn và báo cáo về UBND tỉnh.
Vịnh Quân
Ý kiến bạn đọc