Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa và trong xây dựng nông thôn mới

Thứ năm - 18/06/2015 16:00 127 0
Tây Ninh được đánh giá là tỉnh có tiềm năng rất lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều thắng lợi tương đối toàn diện cả về trồng trọt, chăn nuôi và đã có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

bo_.jpg

Ảnh minh họa: Mô hình nuôi bò bằng đệm lót sinh học

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tổng diện tích gieo trồng tăng bình quân 0,16%/năm (Cây hàng năm giảm bình quân 0,81%/năm, cây lâu năm tăng bình quân 2,73%/năm). Cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng, năng suất, sản lượng các cây trồng phát triển tương đối ổn định: nhóm cây lương thực giảm bình quân 0,6% do công tác chuyển đổi sản xuất mía từ vùng đất cao xuống vùng đất thấp đang được tập trung thực hiện nhằm ổn định vùng nguyên liệu mía cho các nhà máy chế biến, nhóm cây công nghiệp lâu năm tăng bình quân 3,11%/năm, nhóm cây ăn quả tăng bình quân 0,64%/năm.

Lĩnh vực chăn nuôi bước đầu hình thành một số trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công tác chuyển đổi cơ cấu vật nuôi đã được triển khai thực hiện một cách hiệu quả.

Giá trị sản xuất thủy sản tăng khá nhanh, đạt 367,92 tỷ đồng mỗi năm, với mức tăng bình quân 7,16%/năm, sản lượng thủy sản tăng bình quân 7,88%/năm. Đến năm 2015, tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của tỉnh là 27.922 ha, ước đạt 18.379 tấn (Trong đó: sản lượng nuôi trồng ước đạt 15.032 tấn, khai thác ước đạt 3.220 tấn). Tình hình phát triển thủy sản có những chuyển biến tích cực, nhiều nông dân đã chuyển đổi đầu tư thâm canh nuôi trồng một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá tra, ba ba, ếch, cá sấu, lươn…Bên cạnh đó, đã có nhiều nhà đầu tư ngoài tỉnh đến Tây Ninh khảo sát, xây dựng dự án đầu tư nuôi trồng, chế biến thủy sản tập trung ở các huyện Dương Minh Châu, Bến Cầu, Trảng Bàng.

Các mô hình khuyến nông hiệu quả tiếp tục được duy trì triển khai, đến nay đã đạt được một số kết quả đáng kể, qua đó đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để người dân áp dụng sản xuất trên diện rộng. Nhiều dự án khuyến nông đã được triển khai thực hiện, một số dự án khi kết thúc đã mang lại hiệu quả như: Tăng năng suất cây trồng: mía, nấm bào ngư, mãng cầu…, tỷ trọng vật nuôi tăng nhanh như: gà, vịt đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGap và cánh đồng mẫu lớn từ năm 2011 đến nay đã triển khai mở rộng trên 19.000 ha với 11.722 hộ tham gia ở 163 điểm thuộc 6 huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm bớt chi phí, nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường sinh thái và tăng lợi nhuận. Đây là cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm trên một số loại cây trồng khác.

Ngoài ra, tỉnh còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai đề tài cấp cơ sở nhằm đẩy mạnh các ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức trong lao động, sản xuất như: "Chế tạo và ứng dụng máy bứt quả lạc tươi" công suất 0,5 tấn/giờ tại xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng. Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò tại các vùng đệm Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát để nâng cao thu nhập cho người dân và ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình nâng cao hiệu quả sản xuất một số loại cây ăn quả (mãng cầu ta, nhãn, ổi) tại huyện Dương Minh Châu; thực hiện và nghiệm thu đề tài "Xây dựng vùng nhân giống lúa tập trung" tại huyện Gò Dầu và "Máy thu hoạch khoai mì" tại huyện Tân Châu. Tập huấn chuyển giao công nghệ cho 1.390 nông dân về mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi, trồng các loại nấm, trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh hoàn lưu.

Nhìn chung, trong những năm qua cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa theo nhu cầu thị trường, có giá trị kinh tế cao.

Sau bước đột phá, kinh tế nông nghiệp tỉnh lại đặt ra những mục tiêu cao hơn về giá trị sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe của thị trường.

Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước và các đề án, quy hoạch cho cây trồng, vật nuôi, ngành nghề nông thôn. Tập trung khai thác lợi thế, hình thành và phát triển vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi, trong đó chiến lược mũi nhọn là chăn nuôi: bò, heo, thủy sản, cây công nghiệp ngắn ngày, cao su, trái cây đặc sản, rau an toàn bằng việc đầu tư và đẩy nhanh tiến độ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hàng hóa.

Tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế tự nhiên của từng vùng, lợi thế kinh tế của từng loại cây trồng, con gia súc, tăng sản lượng cây trồng và tỷ trọng chăn nuôi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường và công nghiệp chế biến. Đồng thời phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 20% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Cát Tường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây