Đại tá Đào Hồng Nghiệp- Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tặng bức tranh tàu CSB 8002- con tàu tuần tra được xem là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay cho bà Phan Thị Điệp- P.CT HĐND tỉnh.
Bảo vệ chủ quyền Tổ quốc từ đất liền đến biển đảo luôn là nhiệm vụ thiêng liêng với mỗi người con của Tổ quốc. Hơn lúc nào hết, những ngày này, cả nước luôn hướng về biển đảo, hướng về những chiến sĩ lực lượng Hải quân nói chung, Cảnh sát biển nói riêng để chia sẻ, động viên các chiến sĩ giữ vững niềm tin chiến thắng. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tổ chức nhiều đợt đi thăm, tặng quà nhân dân và chiến sĩ huyện đảo Trường Sa, lực lượng Cảnh sát biển các vùng, tổng trị giá số tiền quà tặng gần 7 tỷ đồng.
Đất Quảng- nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 vào những ngày giữa tháng Tám đất trời tràn ngập nắng. Cái nắng chói chang khiến ai cũng phải nheo mắt, bất chợt dịu dàng bởi màu áo trắng và nụ cười tươi rói đầy lạc quan của các anh lính hải quân.
Nụ cười rạng rỡ trên những gương mặt trẻ trung, nhưng cũng những nụ cười ấy đã đanh lại, mím chặt môi cương quyết chống trả âm mưu phá hoại đất nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam. Họ- những người lính biển thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 (VCSB2).
Chiến đấu trên đầu sóng ngọn gió
Bộ Tư lệnh VCSB2 (đóng tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) được thành lập vào ngày 5.3.2004. Vùng biển do Bộ Tư lệnh quản lý từ đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đến cù lao Xanh (Bình Định) và phía Bắc quần đảo Trường Sa cùng các vùng biển khác của Việt Nam khi có lệnh.
Là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh trật tự an toàn, bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và các điều khoản quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên.
Trải qua hơn 11 năm xây dựng và trưởng thành, dù còn rất non trẻ, hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng lực lượng VCSB2 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên tất cả các mặt công tác. Tư lệnh VCSB2, Đại tá Đào Hồng Nghiệp chia sẻ: “Vùng 2 là vùng trọng điểm, có nhiều yếu tố rất nhạy cảm.
Không chỉ vào thời điểm căng thẳng như sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 vào mùa hè năm 2014 vừa qua, mà ngay cả những lúc tưởng “trời yên bể lặng” thực sự biển ở vùng 2 cũng luôn “nóng”. Không chỉ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vẫn đang chực chờ kéo vào khu vực biển do Việt Nam quản lý, mà đây còn là khu vực các tàu cá Trung Quốc xâm phạm nhiều nhất.
Có những thời điểm như đầu năm nay, hàng trăm chiếc tàu đã ngang ngược hoạt động, do vậy, những con tàu tuần tra của Cảnh sát biển chúng tôi luôn phải dọc ngang trên biển, tâm thế luôn cảnh giác và sẵn sàng đối phó với sự lăm le xâm lấn của các thế lực thù địch”.
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển đã liên tục tiến hành tuần tra trên các vùng biển và khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, xua đuổi nhiều tàu quân sự, tàu giả dạng quân sự của nước ngoài đến thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam, bảo vệ an toàn cho các tàu của Tập đoàn Dầu khí làm nhiệm vụ trên biển. Chỉ riêng từ đầu năm 2015 đến nay, VCSB2 đã phát hiện, tuyên truyền, xua đuổi 613 lượt chiếc tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.
Với lính biển, mỗi chuyến tuần tra là một kỷ niệm đáng nhớ. Để có thể hoàn thành nhiệm vụ, những người lính biển phải hoạt động trong hoàn cảnh tưởng chừng “bất khả thi”, mỗi một tàu tuần tra Việt Nam có lúc phải đối phó, xua đuổi bốn, năm chục tàu nước ngoài.
"Tàu nước ngoài rất lì lợm, ranh ma và đông hơn ta gấp nhiều lần. Biển rộng nên đuổi chỗ này chúng chạy sang chỗ khác, chiến sĩ cảnh sát biển phải hết sức khôn khéo mới có thể xua đuổi được”. Không chỉ vậy, “Tác nghiệp trong sóng gió bão tố là chuyện bình thường. Anh em phải chui vào sóng để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Những ngày chiến đấu trên mặt biển lúc nào cũng sôi động vì tàu nước ngoài, vì sóng biển bao trùm cả cabin, anh em hầu như không được ăn cơm mà chỉ uống sữa hoặc ăn mì tôm sống để cầm cự”. Đại tá Đào Hồng Nghiệp kể.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam.
Vị tư lệnh dày dạn kinh nghiệm mà vẫn không kiềm được xúc động khi kể lại sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 vào tháng 5.2014. Trong sự kiện đó, Cảnh sát biển vùng 2 tham gia trực tiếp 8 chiếc tàu, chính vị tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy.
Lúc đó, nhiều anh em chiến sĩ đang lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, gia đình nghèo khó, có chiến sĩ cha, mẹ bị ung thư, có chiến sĩ vợ ốm nặng… nhưng khi được hỏi: đồng chí có về thăm gia đình không, thì tất cả đều xung phong ra trận, vì “Tổ quốc đang cần”.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, có đồng chí may mắn kịp gặp mặt bố mẹ, nhưng cũng có đồng chí trong lúc thực hiện nhiệm vụ trên biển thì ở quê nhà bố mẹ đã mất. Trong sự kiện “giàn khoan Hải Dương 981” năm 2014, riêng lực lượng VCSB2 đã có 12 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được thăng quân hàm, nâng lương, phiên quân hàm trước thời hạn, 37 người được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng tặng bằng khen, 165 người được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm, 3 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận. Bộ Tư lệnh VCSB2 và 2 tàu cảnh sát biển 4032, 4033 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.
Từ sau khi Trung Quốc rút giàn khoan đến nay, Bộ Tư lệnh VCSB2 luôn duy trì các tàu tuần tra tại vùng biển quản lý để thực thi pháp luật. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, Cảnh sát biển còn kiểm soát thực thi pháp luật trên biển. Qua hàng ngàn lượt tuần tra, kiểm soát, Cảnh sát biển vùng 2 đã xử lý 1.089 tàu vi phạm, xử phạt hành chính và bán tài sản nộp ngân sách Nhà nước gần 20 tỷ đồng.
“Biển một bên và em một bên”
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ trên biển, các chiến sĩ Cảnh sát biển không thể nhớ được đã bao nhiêu lần cứu giúp ngư dân trên biển, cũng không biết bao nhiêu lần xúc động khi nghe những người được cứu rưng rưng nước mắt: “Cảnh sát biển đã sinh ra chúng tôi một lần nữa”.
Chỉ riêng công tác tìm kiếm cứu nạn, Cảnh sát biển vùng 2 đã thực hiện 16 vụ, cứu được 14 phương tiện và 109 người, trong đó có cả 6 người Trung Quốc. Mỗi khi về đất liền, các chiến sĩ không nghỉ ngơi mà lao vào sửa chữa, bảo dưỡng tàu, luyện tập và tham gia công tác xã hội. Người dân miền Trung còn nhiều khó khăn nên các anh phải thường xuyên đi quyên góp, chia sẻ vất vả với bà con.
Xua đuổi tàu Trung Quốc hoạt động trái phép trên vùng biển do Việt Nam quản lý (ảnh do Bộ Tư lệnh cung cấp).
Thế bao giờ mới về nhà thăm vợ, con? Phó Chủ nhiệm chính trị Trần Văn Quế cười thật hiền: Bình thường thì… hai tháng về được vài ngày. Còn không bình thường? Thì… không về! Câu trả lời nhẹ tênh khiến tôi ứa nước mắt, thương những người lính biển và cảm phục hơn những người vợ lính.
Tôi chợt nhớ và kể cho các anh nghe về chuyện vợ chồng một quân nhân chuyên nghiệp hiện đang làm việc tại Vùng Cảnh sát biển 3 Nha Trang, chị làm giáo viên ở huyện Tân Biên. Cũng như vợ các anh, chồng công tác xa, mãi 3 tháng, có khi 6 tháng mới về. Ngay trong đợt tháng 5 năm 2014, vì sự kiện “giàn khoan Hải Dương 981”, anh vừa về phép một ngày đã vội trở lại đơn vị, xung phong ra biển.
Chị ở nhà, thấm thía: làm vợ lính biển phải biết hy sinh. Tự làm mọi việc, đóng đinh sửa nhà, xách nước… không thể đợi anh về làm giúp, không được để anh lo lắng, bởi chị biết “ở nơi xa anh có trách nhiệm nặng nề hơn”! Nghe tôi kể, mắt các anh chợt ướt.
Có anh thầm thì: vợ mình cũng thế. Gió biển bỗng trầm lắng, dịu dàng trong lời thủ thỉ của những người cảnh sát biển: “Chính vì vậy mà chúng tôi đều đem hết tình yêu thương với gia đình đã dồn nén trong thời gian dài vào những ngày nghỉ phép. Tranh thủ sửa nhà, thăm hỏi cha mẹ, xách nước cho vợ tắm, đưa con đi chơi… Tình yêu của lính rất mãnh liệt và vô cùng đằm thắm”.
Câu hát trong bài “Chút thư tình của người lính biển” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vang lên tha thiết “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên… Biển một bên và em một bên”. Tình yêu với biển và tình yêu gia đình luôn là động lực để những người lính biển vững vàng trong bão tố, chấp nhận mọi gian lao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Theo BTNO