Chuyện xây dựng nông thôn mới ở một xã vùng sâu

Thứ năm - 31/08/2017 10:00 83 0
Việc xây dựng kế hoạch, đề án phải thật cụ thể, chi tiết, phải căn cứ vào đặc điểm, lợi thế và nhu cầu thiết thực của người dân để lựa chọn nội dung nào làm trước, nội dung nào làm sau, mức độ đến đâu cho phù hợp.

Chuyện xây dựng nông thôn mới ở một xã vùng sâu

Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Học tập cộng đồng mới xây dựng đã thu hút nhiều người đến sinh hoạt, học tập.

Phước Ninh là một xã vùng sâu, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, những năm qua, lãnh đạo, chính quyền và nhân dân Phước Ninh không ngừng nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Ngày 1.9 này, UBND huyện Dương Minh Châu tổ chức lễ công bố xã Phước Ninh đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến thăm Phước Ninh vào những ngày này dễ dàng nhận thấy, bộ mặt xã thay đổi rất nhiều. Trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế tinh tươm, sạch đẹp. Đường sá bằng phẳng, xe cộ qua lại liên tục.

Ông La Thanh Mừng, 76 tuổi, hiện ngụ ấp Phước Tân tâm sự, quê ông ở tỉnh Thái Nguyên, năm 1996, ông rời quân ngũ, đến Phước Ninh làm ăn sinh sống. Ông chỉ tay ra con đường nhựa rộng rãi trước cửa nhà: “Khi tôi vào đây, đây là con đường đất, mặt đường thấp bằng mặt ruộng. Giờ thì đường nhựa phẳng lì, đi lại ngon lành”.

Ông Mừng còn cho biết, những năm trước trụ sở Ban quản lý ấp Phước Tân nhỏ hẹp, cũ kỹ, nắng nóng, mưa tạt, mỗi tuần mới có người đến trực một hai lần. Năm nay, Văn phòng ấp được xây dựng mới, phòng ốc rộng rãi, bàn ghế, đèn điện, quạt máy đầy đủ. Hằng ngày, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban quản lý ấp đến làm việc. Bà con đến họp cũng không còn sợ nắng, mưa.

Ông Đào Văn Bá- Bí thư Chi bộ ấp Bàu Dài, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Phước Ninh kể, trước đây, những con đường giao thông nông thôn hiện nay chỉ là lối mòn, hoặc đường xe trâu, xe bò, đi lại vô cùng khó khăn.

Những cơ sở vật chất như trường học, trụ sở Ban quản lý các ấp cũng rất ọp ẹp. Xây dựng nông thôn mới, mọi thứ đều thay đổi rõ rệt. Hệ thống thuỷ lợi bảo đảm nhu cầu tưới, tiêu cho đồng ruộng. Hệ thống giao thông nội đồng thuận lợi trong việc vận chuyển hàng nông sản của người dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp.

Mạng lưới điện trên địa bàn xã được cải tạo và phát triển, đáp ứng yêu cầu của người dân. Ở xã có Trường THCS Phước Ninh và Trường mầm non Phước Ninh đạt chuẩn Quốc gia.

Là một xã vùng sâu nên người dân Phước Ninh luôn mong muốn đường sá thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển nông sản. Cũng vì lẽ này nên khi vận động làm đường giao thông nông thôn, bà con hưởng ứng nhiệt tình. Có người chặt bỏ cả hàng cây cao su, hoặc phát bỏ nhiều cây ăn trái, tre, trúc…

Ông Trương Văn Cẩn, 74 tuổi, ngụ ấp Phước Tân, dù gia đình chỉ có 6 công đất đang sản xuất nông nghiệp- nguồn thu nhập chính của gia đình, nhưng ông hiến cả công đất để mở rộng và “nắn” lại con đường cho ngay ngắn. Lão nông này chia sẻ: “Kể ra, hiến một phần đất sản xuất cũng ảnh hưởng đến nguồn sống của gia đình, nhưng đường sá rộng rãi hơn nên cũng thấy cũng cần thiết”.

Ngoài ông Cẩn, ở Phước Ninh còn nhiều gương sáng khác trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Như ông Lê Văn Ở là người đầu tiên ở xã đóng góp 40 triệu đồng, ông Trần Hữu Nghĩa đóng góp gần 150 triệu đồng để làm đường giao thông và xây hàng rào văn phòng ấp Phước Hội v.v…

Đạt được chuẩn nông thôn mới đã là khó, giữ được chuẩn càng khó hơn gấp bội. Ông Lê Sơn Thương- Chủ tịch UBND xã Phước Ninh bộc bạch, trong 19 tiêu chí nông thôn mới, có những tiêu chí muốn giữ vững phải không ngừng nỗ lực.

Ví dụ tiêu chí số 15 về y tế, do xã Phước Ninh được phê duyệt xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011-2016 nên tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ đạt 70% trở lên là “đủ chuẩn”. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định mới, tỷ lệ người dân tham gia BHYT phải đạt 85% trở lên. Tính đến ngày 28.8, xã đã phấn đấu đạt hơn 80% tổng số dân trong xã tham gia BHYT và từ nay đến cuối năm sẽ cố gắng đạt chỉ tiêu 85%.

Tiêu chí số 2 về giao thông cũng là vấn đề khó khăn. Hầu hết đường giao thông ở đây đều phục vụ cho việc vận chuyển hàng hoá, vật tư nông nghiệp, trong đó có nhiều là xe ô tô tải, máy cày, máy xới nên rất dễ dẫn đến hư hỏng mặt đường. Vì thế, hằng năm phải thường xuyên bảo dưỡng, tu bổ đường sá.

Khó nhất là tiêu chí số 19 về an ninh trật tự xã hội. Mặc dù hàng năm Đảng uỷ, UBND xã đều có kế hoạch về công tác bảo đảm an ninh, triển khai thực hiện các chủ trương, biện pháp, nghiệp vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tổ chức tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhưng khó lường trước những vụ tai nạn giao thông hoặc những vụ trọng án xảy ra trên địa bàn. Mà chỉ cần xảy ra những vụ việc như thế là dễ dàng “rớt” tiêu chí số 19.

Kể từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới cho đến nay, lãnh đạo xã đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu. Như phải xem đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; phân công từng thành viên phụ trách từng tiêu chí; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc.

Đặc biệt coi trọng, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu và nhận thức đúng, đầy đủ về trách nhiệm, vai trò của mình, hiện thực hoá phương châm “Dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, điều quan trọng là phải biết phát huy trí tuệ và sức mạnh của người dân, huy động các nguồn lực trong dân để xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng kế hoạch, đề án phải thật cụ thể, chi tiết, phải căn cứ vào đặc điểm, lợi thế và nhu cầu thiết thực của người dân để lựa chọn nội dung nào làm trước, nội dung nào làm sau, mức độ đến đâu cho phù hợp.

Phải xác định nhu cầu thiết thực và phân bổ nguồn lực ưu tiên, đa dạng hoá việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là cần thiết”.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây