Đây là cuộc thi do Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhằm mục đích tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các trường trung học phổ thông; tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh; cung cấp kiến thức pháp luật cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp lý, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật; nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật và các hành vi lệch chuẩn xã hội trong độ tuổi vị thành niên.
Cuộc thi này sẽ gắn kết giữa giáo dục pháp luật với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, kỹ năng sống; giữa giáo dục gia đình với nhà trường và xã hội để hình thành nhân cách con người Việt Nam phát triển toàn diện; kết hợp giữa chơi và học, phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh; tạo không khí học tập, tìm hiểu pháp luật sôi nổi, thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh.
Nội dung cuộc thi chỉ xoay quanh các kiến thức pháp luật được giảng dạy trong nhà trường theo chương trình trung học phổ thông, có mở rộng, cập nhật phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh trung học phổ thông, bao gồm: Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của thanh niên, học sinh (theo Luật thanh niên, Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật giáo dục, Luật nghĩa vụ quân sự…); các quyền dân sự cơ bản của công dân, người lao động chưa thành niên (theo Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Luật xử lý vi phạm hành chính); các hành vi bị nghiêm cấm (theo Bộ luật hình sự; Luật thanh niên, Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật phòng, chống ma túy, Luật phòng, chống mua bán người, Luật phòng cháy chữa cháy, Luật giao thông đường bộ, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Pháp lệnh phòng, chống mại dâm; trách nhiệm pháp lý của lứa tuổi học sinh THPT (tuổi chịu trách nhiệm hình sự, hành chính, trách nhiệm bồi thường thiệt hại); nhận diện một số hành vi vi phạm pháp luật, hậu quả và trách nhiệm pháp lý đối với một số hành vi thường diễn ra trong nhà trường (hành vi xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; an toàn, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín; xâm phạm quyền sở hữu; hành vi gân ô nhiễm môi trường; tai nạn thương tích, đuối nước; sức khỏe tình dục, sinh sản; phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, trật tự an toàn xã hội; hành vi trái pháp luật thông qua mạng xã hội...); quyền, nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình; một số kiến thức cơ bản về pháp luật quốc tế có liên quan…
Thí sinh tham gia dự thi trả lời các câu hỏi trực tiếp trên máy vi tính theo phần mềm, bộ đề câu hỏi được thiết kế sẵn với nhiều cấp độ (từ dễ đến khó). Một phần thi online/1 thí sinh dự thi kéo dài từ 15 đến 20 phút, thời gian trả lời mỗi câu hỏi là 30 giây. Số lượng câu hỏi trong một phần thi online từ 30 - 40 câu. Chi tiết về cách thức tham gia dự thi được thực hiện theo hướng dẫn tại Thể lệ cuộc thi.
Cuộc thi được tổ chức theo 2 cấp: Cấp trường và cấp tỉnh. Đối với cấp trường, học sinh chủ động đăng ký và tham gia thi trực tuyến online thông qua các thiết bị kết nội mạng internet (máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh…) phù hợp với khả năng và do học sinh (hoặc nhà trường) chủ động bố trí; Đối với cấp tỉnh sẽ bao gồm vòng loại online và vòng thi chung khảo tập trung. Tại vòng loại online, ban giám khảo sẽ chọn 06 thí sinh có kết quả dự thi cao nhất/trường tham gia thi trực tuyến online (hình thức thi như đối với cuộc thi cấp trường); vòng thi chung khảo tập trung sẽ chọn 01 thí sinh có kết quả dự thi cao nhất/trường tại vòng loại online để thi tập trung tại địa điểm do Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh bố trí. Tại đây, thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính theo đề chung.
Để động viên, khuyến khích các học sinh tham gia dự thi, Ban Tổ chức cuộc thi sẽ cấp Giấy chứng nhận cho các thí sinh đại giải vòng trường và vòng tỉnh.
HP