Dự án VAHIP: Hội thảo kế hoạch liên ngành trong phòng chống bệnh truyền nhiễm

Thứ ba - 30/10/2012 00:00 89 0
Mới đây, tại huyện Trảng Bàng, Ban quản lý Dự án “Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam” tỉnh Tây Ninh (Dự án VAHIP) đã tổ chức Hội thảo tăng cường hợp tác phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người.

 Tây Ninh là một trong 11 tỉnh của cả nước được chọn để thực hiện dự án VAHIP với kinh phí tài trợ từ nguồn vốn vay và vốn viện trợ không hoàn lại. Việc tổ chức Hội thảo nhằm nâng cao trình độ nhận thức và thực hiện công tác phòng chống các loại dịch bệnh hiệu quả nhất.

Theo báo cáo tại hội thảo, 9 tháng đầu năm, tình hình mắc bệnh truyền nhiễm ở Tây Ninh tăng cao so với cùng kỳ. Các bệnh xuất hiện như: quai bị tăng 772,7%, thủy đậu tăng 217%, tiêu chảy tăng 20%. Số ca mắc sốt xuất huyết toàn tỉnh giảm so với năm 2011, nhưng so với đường trung bình vẫn còn tăng rất cao. Bên cạnh đó, dịch bệnh tay chân miệng tại 9/9 huyện thị đang diễn biến phức tạp, ca mắc tay chân miệng tăng cao là: Châu Thành (414 ca, tăng 195,7% so cùng kỳ 2011), Thị xã (393 ca), Tân Châu (268 ca), Trảng Bàng (251 ca).

Dự án VAHIP góp phần ngăn chặn sự lây lan của đại dịch cúm ở VN. Ảnh minh hoạ

Dự án VAHIP tại Tây Ninh bao gồm 2 hợp phần: Trong hợp phần A tiến tới khống chế và thanh toán cúm gia cầm độc lực cao trong ngành Nông nghiệp, nhằm khống chế kịp thời và hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh, tất cả các ca bệnh được báo cáo, sau khi xác minh nghi ngờ cúm gia cầm độc lực cao đều được Ban quản lý dự án hỗ trợ Chi cục Thú y tỉnh hợp đồng với thú y xã để theo dõi, giám sát và điều tra dịch tễ; nâng cấp an toàn sinh học các chợ và lò mổ; xây dựng khu vực buôn bán gia cầm riêng biệt với các loại hàng hoá… Mục tiêu của hợp phần B Y tế được triển khai tại Tây Ninh nhằm xây dựng mô hình Y tế dự phòng tuyến huyện đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế về chuẩn cơ sở vật chất; trang thiết bị; nhân lực và hệ thống Y tế dự phòng tuyến huyện đủ khả năng cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh với bệnh dịch, nhất là cúm A/H1N1, cúm A/H5N1 và đại dịch cúm ở người, nhằm đảm bảo thực hiện được trên 90% các chỉ tiêu hoạt động. Nâng cao năng lực hệ thống giám sát và đáp ứng bệnh truyền nhiễm, tăng cường năng lực điều trị của các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng địa phương thông qua nhân rộng mô hình y tế dự phòng tuyến huyện, đồng thời tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi và truyền thông nguy cơ về các bệnh truyền nhiễm mới nổi, đồng thời cam kết sẽ tích cực triển khai dự án, hoàn thành kế hoạch và mục tiêu đề ra.

Ở giai đoạn II tiểu hợp phần B4.2, dự án tại Tây Ninh tập trung vào các hoạt động nhằm tăng cường năng lực thực hiện các chức năng về y tế dự phòng của trung tâm y tế huyện điểm; tăng cường năng lực phòng chống và đáp ứng dịch bệnh; tăng cường năng lực của trung tâm y tế huyện trong truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng v.v…
Đơn vị được thụ hưởng dự án ở tiểu hợp phần này là Trung tâm Y tế huyện Trảng Bàng và Gò Dầu, với tổng mức kinh phí đầu tư là trên 4 tỷ đồng.

 

Theo BTNO

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây