Những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, TW Cục miền Nam được tái lập vào ngày 23.1.1961 tại Suối Nhum – Mã Đà , Chiến khu Đ. Hai tháng sau, ngày 27.3.1961, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chỉ định nhân sự TW Cục miền Nam gồm tám đồng chí; đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam bộ làm Bí thư TW Cục miền Nam.
Thư Bác Hồ gửi Tổng bí thư Lê Duẩn, đề nghị để Bác được vào Nam thăm chiến khu bắc Tây Ninh (nguồn internet)
TW Cục miền Nam qua từng giai đoạn được mang nhiều tên gọi khác nhau (mật danh) như A9, M40, K89, Ba Đình…Mật ranh R được sử dụng lâu nhất. Chữ “R” là viết tắt từ tiếng pháp “Région” có nghĩa là “xứ” hoặc “miền”.
Do bối cảnh, điều kiện đặc biệt trong thời kháng chiến, cơ quan TW Cục miền Nam đã phải di chuyển vị trí đóng trên 30 lần, có thời gian phải tạm thời di dời sang vùng Phum Tộ của nước bạn Campuchia. năm đầu tiên sau khi tái lập, cơ quan TW Cục trú đóng tại Mã Đà, Chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đây là một vùng rừng nguyên sinh, khí hậu rất độc hại, địa hình phức tạp, đi lại hết sức khó khăn, khó vận chuyển để tiếp tế, cung cấp vũ khí, hậu cần…Hội nghị Trung ương quyết định dời vị trí trú đóng cơ quan TW Cục về căn cứ Bắc Tây Ninh. Tại Tây Ninh, cơ quan TW Cục trú đóng ở nhiều nơi như núi Đất, Kà Tum…Đầu năm 1973, cơ quan TW Cục miền Nam chuyển về khu Rừng Đuôn trú đóng cho đến ngày 30.4.1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng. Căn cứ TW Cục tại Rừng Đuôn được phục chế như hiện nay; ngày 31.8.1990, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định số 839-QĐ, công nhận di tích lịch sử văn hóa TW Cục miền Nam là di tích quốc gia.
Lãnh đạo các thời kỳ và các cơ quan trực thuộc TW Cục miền Nam
Giai đoạn từ 1961 đến 1964, đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) – Bí thư TW Cục, đồng chí Võ Chí Công (Võ Toàn) – Phó bí thư, đồng chí Phan Văn Đáng (Hai Văn) – Phó Bí thư; và năm ủy viên gồm các đồng chí: Phạm Văn Xô (Hai Xô), Phạm THái Bường (Ba Bường), Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Trần Nam Trung (Trần Lương) và Nguyễn Đôn).
Năm 1964, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Bộ Chính Trị được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư TW Cục; năm 1965, TW Cục thành lập Ban Thường vụ. Năm 1967, đồng chí Nguyễn Chí Thanh mất, Trung ương Đảng tăng cường nhân sự cho TW Cục và được bố trí các chức danh đồng chí Phạm Hùng (Bảy Cường) - Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư TW cục; các phó bí thư gồm: đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phan Văn Đáng, Hoàng Vắn Thái (Mười Khang); Ủy viên Thường vụ gồm các đồng chí: Trần Nam Trung, Phạm Văn Xô, Phạm Thái Bường; đồng chí Võ Văn Kiệt được bổ sung vào Ban Thường vụ TW Cục năm 1973.
Để giúp việc cho cơ quan TW Cục và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các ban trực thuộc TW Cục được thành lập; Văn phòng TW Cục, Ban Tổ chức, Ban Cơ Yếu, Ban Quân sự miền (sau là Bộ Chỉ huy miền), Ban Kinh tài. Các cơ quan trên được thành lập từ năm 1961; từ năm 1962 và những năm tiếp theo thành lập thêm các cơ quan: Ban Giao bưu, Ban binh vận, Ban An ninh (1962); Ban Tuyên huấn (1965); Ban Thông tin (1967); Ban Chính trị (1968). TW Cục miền Nam và các cơ quan trực thuộc; khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử đều được giải thể sau ngày 30.4.1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Hiện trạng khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam
Hiện trạng khu di tích lịch sử TW Cục miền Nam tọa lạc tại Khu rừng Chàng Riệc, Rùm Đuôn (xã Tân Lập, huyện Tân Biên) cách cửa khẩu quốc tế Xa Mát (biên giới Campuchia) 16km về hướng Đông Bắc. Khu di tích đã trải qua hai đợt trùng tu, tôm tạo: đọt 1 khởi công vào ngày 24.12.1992; đợt 2 khởi công vào tháng 10.2002, đến ngày 29.01.2005 hoàn thành đưa vào khai thác cho đến nay.
Khu di tích có ba phân khu chức năng gồm : Khu di tích, Khu tưởng niệm và Khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên( rừng tự nhiên) . Khu di tích có các hạng mục công trình như: 14 ngôi nhà là hội trường, nhà đón tiếp, nhà bảo vệ, nhà bếp và nhà các đồng chí lảnh đạo TW Cục các thời kì; hệ thống giao thông hào, hầm chống bom, pháo, công sự chiến đấu liên hoàn, hàng rào và hệ thống đường mòn đi bộ và cả hệ thống hố bom từ máy bay B52 Mỹ rải thảm xuống khu rừng. Nhà các đồng chí lãnh đạo TW Cục qua các thời kỳ đều có cấu trúc mang hình dáng nhà sàn, có phần mái hiên “tiền sảnh” phía trước. Khu tưởng niệm có trưng bày một số hiện vật của các đồng chí lãnh đạo TW Cục, tài liệu, phim ảnh, sa bàn…Khu bảo tồn thiên nhiên là toàn bộ khu rừng nguyên sinh rộng 30 ha, nằm trong tổng thể khu rừng nguyên sinh được khoanh nuôi, bảo tồn rộng 1.360 ha.
Gần khu di tích lịch sử TW Cục miền Nma nằm trong khu rừng nguyên sinh Chàng Riệc còn có Khu di tích của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam; Khu di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và quần thể các Khu di tích của Ban An ninh TW Cục, các ban trực thuộc TW Cục, các cơ quan, đơn vị thuộc Chính phủ cách mạng lâm thời, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Mục tiêu bảo vệ, phát huy di tích lịch sử.
Ngày 29.12.2005, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 15/QĐ UBNDvề việc thành lập Ban Quản lý Các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam tại Tây Ninh. Đội ngũ cán bộ, nhân viên Ban Quản lý tiếp đón, hướng dẫn hơn 750 đoàn khách trong và ngoài nước.
Khu di tích lịch sử TW Cục miền Nam được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là niềm vui, niềm tự hào cho Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân Tây Ninh; là hiện vật hết sức quý báu để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ mai sau; là cơ sở nghiên cứu khoa học và là trung tâm du lịch lịch sử; du lịch sinh thái của quê hương Tây Ninh “Trung dũng Kiên cường”. Việc bảo vệ, phát huy tác dụng giáo dục truyền thống của khu di tích lịch sử được xếp hạng đặc biệt này không chỉ riêng của Ban Quản lý, của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân Tây Ninh, địa phương đã có thành tích vẻ vang trong việc bảo vệ an toàn cơ quan lãnh đạo cao nhất của cách mạng miền Nam qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta.
Theo Báo Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc