Các doanh nghiệp thực hiện thủ tục ký cam kết không xếp, dỡ hàng hóa trên ô tô vượt trọng tải, chở hàng quá tải, quá khổ giới hạn của cầu, đường khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Bản cam kết có 10 nội dung, trong đó có những nội dung như: không chở hàng vượt tải trọng, khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ khi chưa có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền; không chở hàng vượt quá tải trọng cho phép ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô; không cơi nới thành thùng xe hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không giao hoặc để cho người làm công điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm về chở hàng quá khổ, quá tải cho phép khi tham gia giao thông;...
Phó Giám đốc Sở Giao thông và vận tải Lê Văn Đúng, cho hay thời gian qua tình hình kiểm soát tải trọng xe diễn biến rất phức tạp, gây mất an toàn giao thông, gây tai nạn giao thông nhiều; gây bức xúc trong dư luận nhân dân; gây hư hỏng hạ tầng giao thông, do đó, hàng năm Trung ương, tỉnh và các huyện/thành phố phải dành khoảng 200 tỷ đồng để sửa chữa, bảo dưỡng đường.
Với số doanh nghiệp được mời ký cam kết đến chưa đảm bảo, ông Đúng lưu ý Phòng quản lý vận tải và phương tiện người lái, Chánh Thanh tra Sở Giao thông và Vận tải tiếp tục mời các đơn vị còn lại đến ký. “Trong lần mời thứ 2, cần có khuyến cáo nếu không chấp hành thì Sở sẽ có biện pháp thu hồi các ấn chỉ đã cấp cho doanh nghiệp; đến lần mời thứ 3, mà doanh nghiệp không ký cam kết sẽ tiến hành thu hồi”, ông Đúng nhấn mạnh. Để tiếp tục thực hiện công tác kiểm soát tải trọng, ông Đúng đề nghị đại diện các đơn vị vận tải về triển khai trong đơn vị để tài xế, hoặc người áp tải ký cam kết thực hiện.
Cũng tại buổi ký cam kết, đại diện nhiều doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến thắc mắc, trao đổi một số khó khăn trong thực hiện một số quy định trong vận tải hàng hóa và được ngành giao thông tỉnh trả lời, tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Vũ Hải