Nông dân huyện Gò Dầu thu hoạch lúa.
Huyện Gò Dầu có tổng diện tích đất sản xuất lúa hàng năm hơn 19.000 ha. Trong đó có khoảng 15.000 ha ruộng sản xuất 2 vụ lúa/năm (vụ Đông Xuân và Hè Thu), còn một vụ (vụ mùa) do bị ngập nước nên không sản xuất được.
Đây là những cánh đồng nằm phía Tây quốc lộ 22B, thuộc vùng ven sông Vàm Cỏ Đông. Năng suất lúa trên các cánh đồng này bình quân từ 5-7 tấn/ha.
Tuy nhiên vẫn còn tiềm năng năng suất đạt từ 8-10 tấn/ha. Số diện tích còn lại thuộc hệ thống luân canh lúa-màu và 3 vụ lúa/năm.
Để cơ cấu lại ngành trồng lúa theo hướng nâng cao giá trị, bền vững, hướng tới huyện thực hiện các công việc: Chuyển một số diện tích sản xuất lúa trên các cánh đồng luân canh 2 lúa, 1 màu sang luân canh 1 lúa-2 màu; quy hoạch vùng sản xuất lúa đặc sản 1 vụ luân canh với rau thực phẩm các loại, chuyển đổi các vùng chuyên canh 3 vụ lúa sang lúa-màu để tăng giá trị trên đơn vị diện tích sản xuất.
Chuyển dịch cơ cấu giống lúa theo hướng sản xuất trên các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản và sản xuất theo yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp.
Chuyển dịch phương thức sản xuất cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất lúa giống, sản xuất lúa VietGAP và lúa hữu cơ.
Đồng thời, huyện tập trung tuyên truyền vận động nông dân áp dụng quy trình canh tác hợp lý theo kỹ thuật tiên tiến; tăng cường bổ sung hữu cơ, cải tạo đồng ruộng, nhằm duy trì bền vững độ màu mở cho đất sản xuất. Thực hiện cơ giới hóa 100% trong thu hoạch; từng bước cơ giới hóa trong khâu gieo sạ và cấy lúa.
Đối với vùng có đê bao thuộc ấp Cẩm Bình (xã Cẩm Giang) thì xu hướng chuyển đổi hoặc luân canh, thâm canh cây trồng hợp lý theo hướng đa dạng trên những cây trồng giá trị cao hơn lúa, hoặc tăng 3 vụ lúa/năm.
Theo Báo Tây Ninh Online