Gần 7.000 tỉ đồng tái cấu trúc ngành lúa gạo

Thứ năm - 13/10/2016 10:00 23 0
Mục tiêu quan trọng nhất của Đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam là thu nhập của nông dân sẽ được cải thiện hằng năm và bảo đảm lợi nhuận từ 30% tổng thu trở lên.

Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết Bộ NN-PTNT vừa thông qua Đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030. Trong đề án này, 25 chương trình, dự án được ưu tiên vốn gần 7.000 tỉ đồng, gồm các nội dung như: quy hoạch, rà soát quy hoạch hoàn chỉnh hạ tầng đồng ruộng, chuyển đổi đất lúa; các dự án, đề tài khoa học công nghệ cho nghiên cứu chọn tạo giống; tổ chức sản xuất và cơ giới hóa, chế biến; phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu…

Đề án đưa ra định hướng sản xuất lúa ở ĐBSCL hướng đến thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa ở phân khúc gạo chất lượng cao. Hình thành vùng sản xuất lúa thơm phục vụ xuất khẩu ở các vùng phù sa ngọt và ven biển. Chuyển đổi diện tích sản xuất lúa ở các nơi có hiệu quả thấp sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản, giảm diện tích lúa xuân hè và lúa vụ ở nơi không đủ điều kiện.
 
1-114865.jpg
Mục tiêu của Đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam nhằm giúp nông dân nâng cao thu nhập hàng năm. Ảnh: Ngọc Trinh
Các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 gồm: tỷ lệ sử dụng giống xác nhận, diện tích áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) chiếm trên 75% diện tích tại các vùng chuyên canh của Đồng bằng sông Cửu Long; giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 8%; tại các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu chiếm từ 20% trở lên; 20% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam.
 
Tầm nhìn đến 2030, các chỉ số thành phần của mục tiêu nêu trên sẽ tăng gấp đôi. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là thu nhập của nông dân sẽ được cải thiện hằng năm và bảo đảm lợi nhuận từ 30% tổng thu trở lên.
 
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, cho biết Chính phủ vừa đưa vào chương trình tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành lúa gạo với ý tưởng "tăng giá trị, giảm đầu vào”. Giảm đầu vào thể hiện qua việc ít sử dụng phân bón, đất, nước, sức lao động của nông dân nhưng phải được tăng giá trị bằng cách tăng năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Theo BTNO
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây