Gương điển hình Thi đua yêu nước: Ông chủ vườn lan tốt bụng

Thứ ba - 28/07/2015 16:00 47 0
Ông Nguyễn Văn Trở (sinh năm 1962, ngụ ấp Lộc Khê, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng) từ lâu được biết đến như là một trong những người đi tiên phong trong việc đưa cây lan cắt cành về trồng, góp phần phát triển loại hình này ở Tây Ninh. Ông còn được xem là nghệ nhân thành đạt nhờ nghề trồng lan cắt cành. Hiện ông là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nông dân xã Gia Lộc.

Ông Trở bên vườn lan gia đình.

Ông Trở vốn con nhà nông chính gốc, sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông. Dù đã cố gắng hết sức, xoay xở từ trồng lúa, trồng đậu, chăn nuôi bò sữa, nuôi heo… nhưng sau nhiều năm, kinh tế gia đình ông vẫn còn nhiều khó khăn.

Được Hội Nông dân xã Gia Lộc mời tham dự nhiều buổi hội thảo, tập huấn, tham quan nhiều mô hình sản xuất mới nhằm định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị và duy trì hiệu quả bền vững, ông Trở như được mở rộng tầm mắt hơn, nhìn thấy được nhiều cơ hội có thể làm thay đổi cuộc sống.

Một lần, được tham dự hội thảo về mô hình trồng lan cắt cành do Hội Nông dân huyện Trảng Bàng phối hợp Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ông như bị cuốn hút bởi cách làm và hiệu quả của mô hình này.

“Trong bối cảnh đất nước thay đổi từng ngày cho theo kịp xu thế phát triển của thời đại, đòi hỏi người nông dân phải luôn tự tìm tòi học hỏi để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích nông dân phát triển kinh tế gia đình bằng việc phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Với vai trò là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nông dân xã, tôi nhận thức được rằng muốn các phong trào đạt hiệu quả cao thì bản thân mình trước hết phải nỗ lực thi đua lao động sản xuất, phải xây dựng được cuộc sống ấm no, đầy đủ thì người khác mới nghe theo. Từ đó, tôi trăn trở tìm tòi, nghiên cứu tìm mô hình sản xuất phù hợp xu thế của thị trường nông sản”, ông Trở kể.

Khoảng năm 2002, nhận thấy hiệu quả về lâu dài của nghề trồng lan cắt cành, ông Trở và gia đình quyết tâm đầu tư thực hiện sau nhiều đêm suy tư, tính toán. Không có sẵn vốn, vợ chồng ông phải đi vay mượn người quen, họ hàng và nhờ Hội Nông dân xã hỗ trợ vay ngân hàng 50 triệu đồng.

Rồi ông Trở bắt đầu trồng thử nghiệm 1 công đất (1.000m2) cây lan cắt cành. Vừa trồng vừa học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, học hỏi qua tài liệu, sách báo, dần dà ông Trở nhân rộng diện tích vườn lan. Những kiến thức, kinh nghiệm tích luỹ được, ông sẵn lòng chia sẻ với những nông dân trồng lan khác.

Ông còn cùng với những “đồng nghiệp” của mình trao đổi thông tin cho nhau về giá tiêu thụ hoa lan để tránh trường hợp bị thương lái chèn ép giá.

Đến năm 2005, vườn lan của ông Trở được mở rộng ra nửa ha trên diện tích đất rẫy của gia đình trước đây. Nhờ cần mẫn chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn lan nhà ông cho hoa chất lượng tốt, được thương lái ngoài tỉnh ưa chuộng.

Nguồn thu mang lại từ hoa lan giúp gia đình ông Trở trang trải các khoản vay mượn để đầu tư trồng lan trước đó, vừa tích luỹ để mở rộng mô hình. Đến năm 2006, ông đã có được 1,2 ha lan và hiện nay vườn lan đã rộng gần 2 ha với gần 60.000 gốc lan.

Trung bình, 2 - 3 ngày, ông Trở cho cắt hoa một lần. Bình quân mỗi tuần thu hoạch khoảng 4.000 cành hoa. Giá bán tại vườn hiện nay từ 3.000 đến 18.000 đồng/cành tuỳ loại.

Đây quả là nguồn thu nhập cao so với nhiều loại cây trồng khác trên cùng diện tích đất. Ghi nhận thực tế từ khu vườn này cho thấy, quá trình đầu tư, chăm sóc cây lan của ông Trở khá công phu và rất bài bản.

Trong toàn bộ khu vườn, ngoài diện tích đất chừa trồng lan, tất cả lối đi, bờ luống đều được thảm bê tông để ngăn cỏ dại, hạn chế sâu hại sinh sôi phát triển trong vườn và làm tăng vẻ mỹ quan nơi này. Vườn lan nhà ông đã giúp 6 lao động có việc làm thường xuyên và khoảng 10 lao động thời vụ có thu nhập.

Không chỉ chuyên cần lao động, ông Trở còn sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng lan cắt cành cho những người có nhu cầu.

“Tôi sẵn lòng hướng dẫn mọi người tận tình không những ở vườn nhà mà còn đến tận vườn của người mới trồng để chỉ họ cách thiết kế vườn lan, khâu chọn giống, khâu làm đất, cách bón phân, tưới nước, chăm sóc… mà không đòi hỏi bất cứ khoản thù lao nào.

Mình đã từng nghèo, nên hiểu cái nghèo khiến con người ta bức bối đến mức nào. Vì thế, ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật, tôi còn sẵn lòng bán thiếu cây giống cho người trồng để họ có cơ hội vươn lên thoát nghèo”, ông Trở chia sẻ. Theo Hội Nông dân huyện Trảng Bàng, ông Trở còn là người nhiệt tình đóng góp cho các chương trình từ thiện xã hội ở địa phương.

 

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây