Ngày 28.4, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Đề án trợ giúp người khuyết tật tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020.
Trong những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, chế độ, chính sách của Đề án trợ giúp người khuyết tật (NKT) giai đoạn 2012-2015 như: chăm sóc y tế, trợ giúp tiếp cận giáo dục, trợ giúp pháp lý cho NKT, hỗ trợ NKT trong các hoạt văn hóa, thể thao và du lịch...
Ông Nguyễn Văn Quá- Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH trình bày kế hoạch dự thảo Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2016-2020. |
Kết quả, từ năm 2012-2015, có hơn 29.000 lượt NKT hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hơn 2.000 NKT tham gia tập luyện phục hồi chức năng, tạo điều kiện để NKT ở Tây Ninh tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế- xã hội…
Tuy nhiên, tỷ lệ huy động trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục vẫn còn thấp và cơ sở vật chất chưa đáp ứng cho việc giảng dạy học sinh khuyết tật; số lượng NKT ở Tây Ninh chưa được tiếp cận với chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng còn tương đối lớn.
Nhằm khắc phục những khó khăn và phát huy tối đa hiệu quả của đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2016-2020, Sở LĐTB-XH đã soạn thảo kế hoạch và tổ chức lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan.
Một lớp học dành cho trẻ em là nạn nhân chất độc da cam. Ảnh minh hoạ |
Chỉ tiêu đề ra của đề án là hàng năm có 90% NKT được tiếp cận các dịch vụ y tế; đến năm 2020, có khoảng 1.100 NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dịch vụ trợ giúp phù hợp; 70% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục...
Một số giải pháp thực hiện đề án được đưa ra như sau: Triển khai thực hiện chương trình can thiệp sớm những khiếm khuyết ở trẻ trước và sau sinh; trị liệu tâm lý và phục hồi chức năng cho NKT ở các tuyến cơ sở; hỗ trợ triển khai giáo dục hòa nhập ở các cấp học thông qua việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trực tiếp dạy trẻ khuyết tật; tăng cường công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm phù hợp cho NKT...
Theo BTNO