Ghi nhận từ một phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh: Băn khoăn chuyện xã hội hoá…

Thứ sáu - 02/11/2012 00:00 150 0
Như tin đã đưa, phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh đã diễn ra vào ngày 25.10 vừa qua. Phiên họp đã thông qua đề án tiếp tục thực hiện xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012 - 2015. Cũng tại phiên họp này, UBND tỉnh đã đồng ý tăng chế độ cho một số đối tượng thuộc nhiều ngành nghề, thành phần khác nhau trong xã hội.

 

Cán bộ, công chức đi học sẽ được hỗ trợ chi phí.

Phát triển khu vực ngoài công lập-hiện thực có như mong muốn?

Theo tinh thần chung của bản đề án, trong lĩnh vực giáo dục, đến năm 2015, Trường đại học Đông Nam (đóng tại ấp Phước Hậu, xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng) sẽ bắt đầu tuyển sinh một số ngành học, nhằm phục vụ nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ nay đến năm 2015, Tây Ninh sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào việc xây dựng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ngoài công lập. Riêng thị xã Tây Ninh sẽ mời gọi thành lập từ 2 đến 4 trường mầm non và tiểu học bán trú đạt chuẩn quốc gia.

Kế hoạch đề án cho biết: Đến 2015 sẽ thành lập hai trung tâm dạy nghề ở khu vực phía Bắc tỉnh và ở xã Chà Là (huyện Dương Minh Châu). Trong lĩnh vực Y tế, sẽ chuyển một số cơ sở y tế công lập có thu sang cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ, nhằm từng bước cổ phần hoá một số bệnh viện công. Đồng thời sẽ thu hút đầu tư xây dựng từ 1 - 2 phòng khám đa khoa tư nhân.

Về thể thao, các cơ sở thể dục thể thao công lập sẽ hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ. Số cơ sở ngoài công lập sẽ đạt tỷ lệ khoảng 50% tổng số cơ sở trong toàn tỉnh. Công ty cổ phần Bóng đá Tây Ninh được tiếp tục đẩy mạnh phát triển theo hướng xã hội hoá. Đội bóng đá Tây Ninh hoạt động theo mô hình câu lạc bộ chuyên nghiệp. Câu lạc bộ Bơi lặn và Câu lạc bộ Tennis cũng chuyển đổi sang khu vực ngoài công lập. Nhà thi đấu thể thao, nhà tập bóng bàn của tỉnh sẽ hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ ngoài công lập.

Một số thành viên tham dự cuộc họp cho rằng: Thật ra chủ trương xã hội hoá các lĩnh vực văn hoá - xã hội được thực hiện ở Tây Ninh đã lâu nhưng kết quả thu được không cao. Có ý kiến cho rằng: Cơ quan quản lý Nhà nước còn lúng túng trong vấn đề này. Cũng có ý kiến băn khoăn: Từ nay đến năm 2015, thời gian không còn bao nhiêu, vậy mục tiêu đề ra trong đề án liệu có thực hiện được?

Đời sống văn hoá ở vùng sâu còn nghèo nàn. Trong ảnh, chương trình ca nhạc được “dựng” trên một bãi đất trống.

Tăng chế độ cho nhiều đối tượng.

UBND tỉnh đã thông qua tờ trình của Công an Tây Ninh về việc điều chỉnh tăng mức phụ cấp hằng tháng đối với lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo mức điều chỉnh này, người giữ chức trưởng ban bảo vệ dân phố sẽ được phụ cấp 1.050.000 đồng/tháng (tăng 220.000 đồng so với quy định hiện hành); phó trưởng ban: 950.000 đồng (tăng 200.000 đồng). Các uỷ viên của ban, kiêm tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố: 820.000 đồng (tăng 170.000 đồng), tổ phó: 760.000 đồng (tăng 160.000 đồng), tổ viên: 630.000 đồng/tháng (tăng 130.000 đồng).

Với mức phụ cấp tăng thêm như vừa nêu, kinh phí của tỉnh dành cho lực lượng bảo vệ dân phố trong toàn tỉnh sẽ tăng gần 110 triệu đồng/tháng. Thời gian thực hiện mức điều chỉnh này từ 1.5.2012.

Tờ trình của Sở Nội vụ về mức hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức cũng đã được UBND tỉnh đồng ý. Theo đó, các đối tượng trên khi đi học tập ở ngoài tỉnh (trong nước) sẽ  được hỗ trợ 100% học phí theo quy định của nơi đào tạo. Nếu phải đi thực tế trong thời gian học tập: Được hỗ trợ 400.000 đồng/người. Trường hợp cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã được quy hoạch để thay thế người khác, ngoài các khoản trên còn được hỗ trợ một phần tiền ăn (Nếu thời gian học trên 1 tháng thì hỗ trợ 35.000 đồng/ngày, dưới 1 tháng 40.000 đồng/ngày).

Đối với người học lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ ngoài việc được hỗ trợ 100% học phí và tiền đi thực tế 400.000 đồng (nếu có) còn được hỗ trợ tiền ăn từ 40.000 đồng - 50.000 đồng/người/ngày tuỳ theo thời gian học. Đối tượng được cử đi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (đối tượng 1 và 2) sẽ được miễn học phí và cấp 50.000 đồng tiền ăn/ngày.

Cán bộ, công chức được chọn tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng thuộc Đề án 165 tuỳ theo từng lớp học, loại hình học sẽ được bồi dưỡng ở các mức khác nhau. Nếu học thạc sĩ, tiến sĩ sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại, ăn, ở trong thời gian tham gia ôn thi hoặc bồi dưỡng tiếng nước ngoài. Các đối tượng tham gia bồi dưỡng, nghiên cứu, khảo sát sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi tập trung. Mức hỗ trợ khác nhau tuỳ theo quãng đường xa hay gần.

Trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh tham gia học tập ở trong tỉnh với nội dung đào tạo chuyên môn về trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học sẽ được miễn 100% học phí và 200.000 đồng chi phí đi thực tế (nếu có). Trường hợp cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã được quy hoạch để thay thế cán bộ xã  thì ngoài các khoản trên còn được hỗ trợ một phần tiền ăn từ 30.000 - 40.000đồng/ngày tuỳ theo thời gian học. Cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý Nhà nước, quốc phòng – an ninh (đối tượng 3) cũng được hưởng mức chế độ tương đương.

Phiên họp của UBND tỉnh cũng đã đồng ý thông qua mức kinh phí hỗ trợ cho lực lượng lao động diện hợp đồng trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp theo Nghị định 68/2000/NĐ- CP của Chính phủ. Tổng kinh phí hỗ trợ cho lực lượng lao động hợp đồng vào khoảng gần 4 tỷ đồng/năm. Chế độ này sẽ được áp dụng vào tháng 1.1.2013.

Giữa lúc tình hình thu ngân sách còn đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế chung hiện nay, việc tăng chế độ cho một số đối tượng như đã nêu trên là một sự nỗ lực đáng ghi nhận của Tây Ninh.

Theo BTNO

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây