Giải pháp tăng tỉ lệ nữ ĐBQH, HĐND

Thứ hai - 29/02/2016 10:00 125 0
Theo bà Bùi Thị Thanh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, muốn tăng tỉ lệ nữ ĐBQH, HĐND các cấp thì phải thực hiện ngay trong quá trình hiệp thương.
Ngày càng có thêm nhiều phụ nữ đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. VGP/Xuân Tuyến

Bà Bùi Thị Thanh cho biết quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND gồm 5 bước với 33 hội nghị hiệp thương

Bước một, tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử.

Bước hai, các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ra ứng cử.

Bước ba, tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử.

Bước bốn, tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác (nếu có) về những người ứng cử.

Bước năm, tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử.

Trong bầu cử đại biểu Quốc hội, việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu làm đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Trong bầu cử đại biểu HĐND, việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu làm đại biểu HĐND do Thường trực HĐND từng cấp quyết định.

Tăng tỉ lệ nữ ngay từ vòng hiệp thương đầu tiên

Như vậy, trong vấn đề giới thiệu ứng cử và tự ứng cử, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân liên quan. Việc giới thiệu số lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào (trong cơ cấu, thành phần, số lượng đã được hiệp thương thống nhất ở bước một) hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị của người được giới thiệu ứng cử.

Có thể khẳng định, trong quá trình giới thiệu người ứng cử là nữ, vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cấp uỷ, công đoàn, nữ công (nếu có) rất quan trọng.

Một kinh nghiệm mà nhiều địa phương nêu là phải dự kiến số lượng phụ nữ ứng cử một cách rộng rãi ngay từ hiệp thương lần thứ nhất để lựa chọn dần đến hội nghị hiệp thương lần thứ ba số đại biểu nữ vẫn bảo đảm một tỉ lệ thích hợp và kết quả trúng cử không chỉ đáp ứng được chỉ tiêu đề ra mà còn có khả năng cao hơn.

Chẳng hạn, trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp năm 2004, một số địa phương có tỉ lệ giới thiệu ứng cử là nữ ngay sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất cao như: Phú Thọ (45,52%), Vĩnh Phúc (41%), Đồng Tháp (40,86%), Đồng Nai (39,83%), Lào Cai (38,67%), Tây Ninh (36,47%), Bắc Giang (35,7%), Yên Bái (35,08%)...

Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai của Mặt trận, quá trình tiến hành lấy phiếu tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác đối với người ứng cử về cơ bản không có gì vướng mắc hay có sự phân biệt theo hướng bất lợi cho người ứng cử là nữ. Thậm chí trong thực tiễn ở khâu này, người ứng cử là nam giới thường có chỉ số tín nhiệm thấp hơn so với người ứng cử là nữ giới ở các hội nghị cử tri nơi cư trú.

Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, Hội nghị quyết định lập danh sách chính thức những người ứng cử, lúc này những người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử đã trải qua các bước lấy phiếu tín nhiệm của nơi cư trú và nơi công tác, đồng thời đã qua giai đoạn xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử (nếu có), do vậy có thể nói danh sách (sơ bộ) những người ứng cử lúc này đã khá rõ ràng. Hồ sơ của mỗi người đều đã có biên bản về tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác; kết luận về khiếu nại, tố cáo (nếu có). Đây là những cơ sở quan trọng nhất để Hội nghị hiệp thương của Mặt trận xem xét, lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử.

Trong quá trình vận động bầu cử, các cơ quan truyền thông đại chúng cần có sự bình đẳng trong việc tuyên truyền vận động giữa người ứng cử là nữ với người ứng cử là nam. Việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử cũng phải tiến hành bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử với người ứng cử là nữ. Ở giai đoạn này, vai trò của Hội Phụ nữ các cấp là rất quan trọng, ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng vận động tranh cử cho các nữ ứng cử viên thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải giám sát các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình bầu cử. Đối với người ứng cử, chị em phải hết sức tự tin, tuyệt đối không bao giờ tự cho rằng mình chỉ là “đệm” cho người khác, dẫn đến tư tưởng buông xuôi, làm cho qua chuyện, phải quyết tâm đến cùng để tự khẳng định mình và thuyết phục sự ủng hộ của cử tri.

Cuối cùng, trong quá trình bầu cử, cần vận động đông đảo các nữ cử tri đi bầu cử đồng thời phải giám sát chặt chẽ việc bầu cử, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bầu hộ, bầu thay. Một tình trạng khá phổ biến là nam giới thường đi bầu cử thay cho các thành viên khác trong gia đình, do đó dễ dẫn đến định kiến trọng nam khinh nữ, ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. 

Theo chinhphu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây