Giám sát công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Thứ năm - 22/03/2018 11:00 45 0
Ngày 21.3, đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh đã có buổi làm việc với các sở, ban ngành có liên quan về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cùng các Phó chủ tịch Phan Thị Điệp và Nguyễn Thanh Phong chủ trì phiên làm việc.

Sau khi nghe lãnh đạo Sở GD &ĐT và Sở LĐTB&XH trình bày báo cáo về hai lĩnh vực do hai ngành phụ trách, thành viên đoàn giám sát nêu nhiều vấn đề xung quanh công tác quản lý nhà nước trong hai lĩnh vực trên.

Bà Phan Thị Điệp- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết rõ hơn về xây dựng trường chuẩn quốc gia, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học, nghề nghiệp và tình hình học sinh bỏ học.

Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Thị Lệ phát biểu giải trình.

Theo bà Điệp, ngành Giáo dục cần làm rõ tình hình phân luồng sau THCS xem có bất cập gì không, vì có thông tin một số trường nghề không nhận học sinh lớp 9. Bà Điệp cũng cho biết số lượng học sinh vào lớp 1 và học sinh lớp 12 có sự giảm sút rất mạnh về số lượng. Số lượng học sinh phổ thông vào học nghề cũng không nhiều. Vậy số học sinh còn lại đi đâu?

Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đề nghị làm rõ hơn việc thiếu giáo viên mầm non cũng như việc dạy trước chương trình cho trẻ mầm non. Về giáo dục phổ thông, ông Phương đề nghị Sở GD&ĐT trả lời rõ, có hay không chuyện lạm thu trong nhà trường và giải pháp nào để khắc phục.

Đối với Sở LĐTB&XH, ông Phương đề nghị xem xét, sắp xếp lại mạng lưới trường dạy nghề để cải thiện chất lượng đào tạo, nếu cần thiết thì nên sáp nhập một số trường nghề.

Ông Võ Văn Sớm, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh nhìn nhận, những giải pháp mà Sở GD&ĐT nêu ra để khắc phục khó khăn là chưa thật phù hợp với tình hình thực tế. Đối với Sở LĐTB&XH, ông Sớm bày tỏ quan ngại khi tình hình sử dụng thiết bị cho công tác dạy nghề chỉ đạt từ 15% - 40%.

Giải trình một số vấn đề thành viên đoàn giám sát nêu, Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Thị Lệ cho biết, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đã có sự điều chỉnh, chỉ xây đủ phòng học và hạn chế số phòng chức năng nhằm tránh lãng phí.

Vấn đề phân luồng, bà Lệ cho biết, năm học 2017-2018, có hơn 10% học sinh tốt nghiệp THCS có thể đi học nghề, việc đạt chỉ tiêu 30% học sinh sau THCS vào học nghề là rất khó.

Liên quan chuyện học sinh giảm mạnh từ lớp 1 đến lớp 12 (giảm 60%), lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, cách tính toán như vậy là khập khiểng và bất cập, vì khi lên đến lớp 6, lớp 10, nhiều học sinh đã đi xuống TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh thành khác học hoặc đi học nghề, do đó, số lượng học sinh lớp 12 sụt giảm mạnh so với số lượng học sinh khi vào lớp 1 là bình thường.

Bà Võ Thanh Thủy- Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, tháng 4.2019 sẽ sáp nhập hai trường trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp vào trường cao đẳng nghề. Về nhân lực, bà Thủy cho biết, Sở LĐTB&XH đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế cho một số đơn vị trực thuộc ngành này.

Liên quan chất lượng lao động, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị lãnh đạo ngành Lao động, thương binh và xã hội làm rõ những vấn đề có liên quan. “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tốn rất nhiều tiền nhưng khi lao động vào làm trong doanh nghiệp thì ở đây họ tự đào tạo tay nghề cho công nhân. Vậy có vấn đề gì ở đây không” - ông Nguyễn Thành Tâm nêu.

Chiều cùng ngày, đoàn giám sát làm việc với Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư về công tác đào tạo và phát triển nguổn nhân lực.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây