Giai đoạn 2013- 2016: Hơn 6.100 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 07/11/2016 16:00 50 0
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2013- 2016 trên địa bàn tỉnh là 6.164 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng là 3.568 tỷ đồng, chiếm 59,3%; vốn sự nghiệp 2.056 tỷ đồng, chiếm 40,7%.

Cơ cấu các nguồn vốn như sau: vốn ngân sách là 2.332 tỷ đồng, chiếm 37,8% (vốn trực tiếp cho chương trình là 1.487 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là gần 884 tỷ đồng); vốn tín dụng là 3.682 tỷ đồng, chiếm 59,7% (cho dân vay sản xuất, xây nhà, xây công trình vệ sinh..); vốn huy động từ doanh nghiệp là 114 tỷ đồng, chiếm 1,9%; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư là 32 tỷ đồng, chiếm 0,6%.

Từ các nguồn vốn trên, tỉnh đã phân bổ, đầu tư các dự án, công trình thiết yếu phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, làm thay đổi tích cực diện mạo nông thôn.

Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa- Ảnh minh hoạ

Giai đoạn 2013- 2016, toàn tỉnh đã nhựa hóa, bê tông hóa 181 km đường trục xã, liên xã; 354 km đường trục thôn, xóm; 17 km đường ngõ, xóm; 176 km đường trục chính nội đồng; 15 km kênh mương; xây dựng được 88 trường học đạt chuẩn quốc gia, 77 nhà văn hóa xã, thôn, 5 chợ, 10 trạm y tế đạt chuẩn; xóa 3.356 nhà tạm nhà dột.

Tỉnh cũng đã nâng cấp, xây dựng mới 57,5 km đường dây trung thế, 516,1 km đường dây hạ thế bảo đảm đủ điện phục vụ nông thôn.

Kết quả đó đã góp phần giảm bớt khó khăn trong việc đi lại của nhân dân, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, giúp người dân có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, học sinh có chỗ học ổn định...

Đối với 16 xã được tập trung đầu tư đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010-2015, các công trình được đầu tư và hoàn thành đúng tiến độ, bàn giao đưa vào sử dụng kịp thời, phát huy hiệu quả đầu tư.

 Riêng huyện Trảng Bàng đã áp dụng cơ chế đầu tư ngân sách xã hỗ trợ 20-30% kinh phí công trình, còn lại do nhân dân đóng góp để tự tổ chức thi công thực hiện 288 tuyến đường ngõ xóm. Nhờ đó huyện đã rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư quyết toán, giảm kinh phí ngân sách nhà nước.

Đến nay, hệ thống chợ nông thôn cơ bản bảo đảm quy định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của nhân dân. Có 80/80 xã đảm bảo cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông, có phủ sóng hoặc mạng để truy cập intemet cho người dân khu vực nông thôn.

Toàn tỉnh cũng đã xây tặng 4.192 căn nhà đại đoàn kết, xây dựng 2.828 căn nhà theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg; xây mới, sửa chữa 713 căn nhà theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây