Giai đoạn 2014-2015: Tây Ninh tạo đà tăng trưởng kinh tế cả chiều rộng lẫn chiều sâu

Thứ năm - 07/04/2016 11:00 40 0
Thực hiện Quyết định số 160/QĐ-TTg ngày 15.1.2013 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Phát triển bền vững giai đoạn 2013-2015, ngày 21.7.2014, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động về Phát triển bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014-2015 kèm theo Quyết định số 1610/QĐ-UBND. Qua 2 năm triển khai thực hiện, Tây Ninh đã đạt được một số kết quả quan trọng, đáng chú ý trong lĩnh vực kinh tế.

 

Một dự án đầu tư được triển khai ở Khu công nghiệp Phước Đông giai đoạn 2014-2015.

Để phát triển kinh tế bền vững, tỉnh đã ưu tiên khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh để thu hút vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý… từ đó tạo đà tăng trưởng cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong 2 năm 2014- 2015, cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch hợp lý, từng bước tăng dần ngành công nghiệp, dịch vụ theo hướng tích cực trong tỷ trọng GDP. Đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2015 tăng 14,6% so với năm 2014. Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước, tăng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước - dân doanh - nước ngoài trong tổng vốn đầu tư năm 2014 là 18,4% - 57,3% - 24,3%; đến năm 2015 đạt 17,7% - 56% - 26,3%.

Tỉnh cũng đã thẩm tra, rà soát các dự án có quy mô lớn, đầu tư vào các khu công nghiệp, trong đó có lưu ý đến vấn đề về công nghệ sản xuất; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, sử dụng ít lao động, có giải pháp xử lý tốt về môi trường. Có biện pháp hỗ trợ, tập trung tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện để dự án đầu tư sớm được triển khai, thu hồi các dự án chậm triển khai so với cam kết về tiến độ đầu tư.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, bước đầu Tây Ninh đã đạt được một số kết quả nhất định. Nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng tích cực. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản năm 2014 đạt 92,53 triệu đồng. Ngành trồng trọt tập trung sản xuất theo hướng chuyển đổi diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng hiệu quả hơn, thị trường thuận lợi hơn; khuyến khích, hỗ trợ sử dụng giống mới, giống xác nhận; mở rộng một số vùng sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Thực hiện mô hình liên kết 4 nhà đối với một số sản phẩm chủ lực theo xu hướng liên kết ngày càng chất lượng, hiệu quả, chặt chẽ đã góp phần ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Các sản phẩm chủ lực có liên kết 4 nhà gồm: cao su, mía, sản xuất bắp giống, sản xuất thuốc lá, sữa bò tươi, chăn nuôi heo thịt, chăn nuôi gà thịt, trứng công nghiệp. Tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng lớn (năm 2015 đạt 7.893 ha, tăng 11,5% so với năm 2014); hoàn thành việc xây dựng 3 mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hoá vào sản xuất. Đối với cây lúa và cây mì, cơ giới hoá đạt trên 90% ở khâu làm đất và khâu vận chuyển.

Chăn nuôi duy trì ở mức ổn định, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp năm 2015 đạt 12,76%. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm 2015 đạt 16.835 tấn, tăng 14,3% so với năm 2014. Kinh tế trang trại phát triển theo chiều sâu, tập trung, nâng cao hiệu quả. Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 937 trang trại.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt một số kết quả quan trọng bước đầu, hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 20% số xã của toàn tỉnh đạt chuẩn xã nông thôn mới; huy động được 5.617,549 tỷ đồng cho Chương trình xây dựng nông thôn mới và có 16 xã đạt chuẩn; bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống nông dân từng bước được cải thiện.

Trong 2 năm, tỉnh tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Sản xuất công nghiệp phát triển đa dạng về ngành nghề; hoạt động khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống được quan tâm. Các khu, cụm công nghiệp được rà soát, điều chỉnh quy hoạch bảo đảm tính phù hợp, khắc phục một bước tình trạng quy hoạch thiếu khả thi, tạo điều kiện ổn định sản xuất và cuộc sống của người dân. Khu công nghiệp Trảng Bàng, Khu chế xuất Linh Trung III, Khu công nghiệp Chà Là (giai đoạn 1) cơ bản được lấp đầy, Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông - Bời Lời, Khu công nghiệp Thành Thành Công thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp của tỉnh phát triển.

Tỉnh cũng quan tâm phát triển các ngành dịch vụ, tạo điều kiện phát triển du lịch bền vững. Cụ thể như tỉnh ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị tăng cao; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng ở các khu vực cửa khẩu nhằm tạo điều kiện phát triển thương mại biên giới. Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đưa hàng Việt về nông thôn, bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu tại các vùng nông thôn.

Hệ thống thương mại được mở rộng; trong năm 2015, có 3 dự án trung tâm thương mại, siêu thị hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động. Một số dự án đang được chuẩn bị đầu tư như dự án Trung tâm thương mại dịch vụ của Công ty TNHH Toyota Lý Thường Kiệt, dự án Trung tâm thương mại dịch vụ trên khu đất Ước mơ tuổi thơ cũ của Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Nguyễn Kim Tây Ninh, dự án siêu thị huyện Tân Châu.

 

 Sản xuất vỏ ô tô ở một nhà máy trong Khu công nghiệp Phước Đông.

Tỉnh cũng đã tổ chức công bố Quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử văn hoá, danh thắng và du lịch núi Bà Đen đến năm 2020; xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Tây Ninh đến năm 2020 có định hướng đến năm 2030. Tích cực kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch: Long Điền Sơn, Bàu Cà Na, Ma Thiên Lãnh.

Một lĩnh vực khác đáng chú ý là trong giai đoạn 2014-2015, tỉnh thực hiện tốt công tác quy hoạch đô thị, quản lý đô thị, kiên quyết xử lý vi phạm về quản lý đô thị; từng bước xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị gắn với phát triển các khu dân cư, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, cây xanh, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và xử lý chất thải rắn ở các đô thị trong tỉnh. Đến năm 2015 tỷ lệ đô thị hoá đạt 33%; tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch đạt 100%.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây