Tại Hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá phần lớn các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã ban hành các văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy sử dụng hệ thống thư điện tử, tăng cường trao đổi văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Các cơ quan, đơn vị đã từng bước ứng dụng hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong công việc, tỷ lệ văn bản, tài liệu điện tử được trao đổi qua mạng giữa các cơ quan nhà nước ngày càng tăng, quy trình xử lý công văn đến, đi của cơ quan được tin học hóa, giúp cho việc quản lý, xử lý văn bản được thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm; Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin tại các Bộ, ngành, địa phương từng bước được quan tâm, đầu tư hơn. Tuy nhiên, tại một số địa phương còn khó khăn, đặc biệt tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, hạ tầng kỹ thuật CNTT; kinh phí cho nâng cấp, duy trì các hệ thống vẫn còn nhiều hạn chế; sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt sử dụng hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý vă bản và điều hành trong công việc của lãnh đạo đơn vị; điều này ảnh hưởng đến việc triển khai các hệ thống thông tin.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy triển khai các Chỉ thị trong thời gian tới; Tận dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có; Duy trì nguồn nhân lực, nâng cấp hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị tại các đơn vị; Đưa việc sử dụng, trao đổi, xử lý văn bản điện tử là một trong yêu cầu bắt buộc và một tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành, hướng tới cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
MT