Hội thảo truyền thông về công tác tiêm chủng

Thứ bảy - 23/11/2013 00:00 36 0
Đại diện Cục Y tế Dự phòng mong muốn báo chí tích cực hơn trong công tác đưa thông tin đúng, đầy đủ, chính xác đến người dân về lợi ích của công tác tiêm chủng…

 

Tiêm chủng giúp hàng triệu triệu trẻ em không bị chết vì các bệnh nhiễm trùng.

Ngày 22.11, tại TP.Hồ Chí Minh,  Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo với đại diện cơ quan báo chí trung ương tại TP.HCM và các cơ quan báo chí thuộc 20 tỉnh, thành phố phía Nam về các cơ quan báo chí về truyền thông trong công tác tiêm chủng.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe GS.TS Nguyễn Trần Hiển- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban Quản lý dự án tiêm chủng quốc gia trình bày tổng quan về chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại Việt Nam; các vaccine đang được sử dụng, hiệu quả và những kết quả, thành tựu đã đạt được; Bác sĩ Trần Minh Như Nguyện, đại diện WHO tại Việt Nam trình bày tổng quan về công tác tiêm chủng thế giới; đại diện Tổ chức UNICEF tại Việt Nam trao đổi về công tác truyền thông trong tiêm chủng; một số bài học kinh nghiệm về tiêm chủng, sử dụng vaccine trên thế giới; những nguy cơ, các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm chủng và cách xử lý.

 Về định hướng những nội dung truyền thông về tiêm chủng cần chuyển tải đến cộng đồng, đại diện Cục Y tế Dự phòng mong muốn báo chí tích cực hơn trong công tác đưa thông tin đúng, đầy đủ, chính xác đến người dân; xử lý tốt và định hướng dư luận khi nhận được những thông tin thiếu chính xác khiến người dân hoang mang, dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thời gian qua đạt thấp.

Trong những năm qua, bằng tiêm chủng vaccine, tỷ lệ mắc bệnh của nhiều bệnh nhiễm trùng có vaccine dự phòng đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần. Sau 25 năm triển khai chương trình TCMR ở Việt Nam, ước tính dự phòng cho 6,7 triệu trẻ khỏi mắc bệnh và 43.000 trẻ khỏi bị tử vong do các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, và sởi;...

Theo ước tính của WHO, nếu tất cả các vaccine sẵn có hiện nay đều được sử dụng rộng rãi trên thế giới với tỷ lệ bao phủ cao trên 90%, dự đoán hàng năm có khoảng từ 2-3 triệu trẻ em không bị chết vì các bệnh nhiễm trùng.

Chương trình TCMR ở Việt Nam được chính thức triển khai từ năm 1985 bằng việc tiêm 6 mũi vaccine cơ bản là lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván và sởi cho tất cả trẻ em dưới 1 tuổi. Thông qua TCMR, số ca mắc bệnh của nhiều bệnh nhiễm trùng có vaccine dự phòng tại nước ta đã giảm đáng kể. Kết quả ghi nhận, vào cuối những năm 70, Việt Nam thanh toán được bệnh đậu mùa; năm 2000 thanh toán bệnh bại liệt, năm 2005 loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, tiến đến loại trừ sởi và khống chế viêm gan B trong vài năm tới.

Hiện cả nước có 17.000 điểm TCMR trên tổng số 11.000 trạm y tế xã/phường.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây