“Máy phun thuốc trừ sâu hại mía” hoạt động ngoài hiện trường.
Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Tây Ninh tổ chức 2 năm/lần là hoạt động nhằm khuyến khích và phát huy tinh thần lao động sáng tạo của mọi tổ chức, cá nhân và đông đảo quần chúng nhân dân trong quá trình nghiên cứu, lao động, sản xuất và học tập, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Hội thi do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức đã mang đến nhiều hiệu quả ứng dụng thiết thực, là tín hiệu vui để đón chào xuân mới 2016 trên lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Đến cuối tháng 7.2015, Ban tổ chức Hội thi đã tiếp nhận 163 đề tài/giải pháp dự thi (tăng 13 đề tài/giải pháp so với Hội thi lần thứ 8). Trong đó, lĩnh vực giáo dục - đào tạo có 68 đề tài/giải pháp (chiếm 41,72% tổng số đề tài/giải pháp dự thi), lĩnh vực nông nghiệp 36 đề tài/giải pháp (chiếm 22,08%), lĩnh vực công nghiệp 41 đề tài/giải pháp (chiếm 25,1%), lĩnh vực công nghệ thông tin 15 đề tài/giải pháp (chiếm 0,92%) và lĩnh vực y tế - bảo vệ sức khoẻ 3 đề tài/giải pháp (chiếm 0,18%).
Hội Nông dân tỉnh là đơn vị tích cực nhất trong công tác vận động hội viên tham gia hội thi. Từ những mô hình hiệu quả trong thực tế chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo của công tác vận động phong trào ở cơ sở, Hội đã cử cán bộ hỗ trợ hội viên, nông dân viết các bản mô tả đề tài/giải pháp và hoàn chỉnh các hồ sơ dự thi để tập hợp gửi về Ban tổ chức.
Vì thế, hầu hết các đề tài/giải pháp của lĩnh vực nông nghiệp đều đã được kiểm nghiệm qua thực tế, được mô tả rõ ràng, cụ thể. Riêng ngành Giáo dục - Đào tạo đã tuyển chọn 68 đề tài/giải pháp từ hàng ngàn đề tài khoa học, giải pháp khoa học, sáng kiến kinh nghiệm năm 2014-2015 của toàn ngành tham gia hội thi. Một số sở, ngành, đơn vị như Sở Y tế, Sở Thông tin-Truyền thông, Nhà máy nước Tây Ninh, Điện lực Tây Ninh... cũng đã đưa những đề tài/giải pháp cải tiến kỹ thuật áp dụng hiệu quả tại đơn vị tham gia hội thi.
Đa số các đề tài/giải pháp tham dự hội thi lần này đều bảo đảm tính mới, tính khoa học và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của địa phương, trong đó có nhiều giải pháp đã được áp dụng thành công trong thực tiễn và mang lại giá trị cao về mặt kinh tế - xã hội.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và thiết bị nông nghiệp đã có nhiều đề tài/giải pháp sáng tạo kỹ thuật mới, tiến bộ như: Máy bón phân đĩa (KS Nguyễn Trọng Hoà - Nông trường mía Thành Long), Máy xạ hàng vùng bưng (Lê Minh Thới - Gò Dầu), Máy đục lỗ tăng (Nguyễn Văn Dũng - Bến Cầu), Máy đào lỗ trồng khoai mì và một số loại cây trồng khác, Máy chày lỗ gieo hạt đậu phộng (Lê Văn Hường - Dương Minh Châu), Máy xịt thuốc bảo vệ thực vật (Nguyễn Huỳnh Hắng - Trảng Bàng), Máy cải tiến vận chuyển lúa trong ruộng lầy (Nguyễn Tấn Tới - Hoà Thành)… đã giúp nông dân áp dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả cao.
Đặc biệt đề tài “Nhân nuôi và phóng thích (thả) ong ký sinh Anagyrus lopezi ra đồng kiểm soát rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti trên cây khoai mì (sắn) tại tỉnh Tây Ninh” của Lê Thị Kiều Trang (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh) từ tháng 6.2013 đến tháng 6.2015 đã sản xuất được 457.528 cặp ong ký sinh, qua đó phóng thích (thả) 410.500 cặp ra địa bàn 43 xã, thị trấn tại 8 huyện, thành phố trong tỉnh, giúp nông dân kiểm soát tốt rệp sáp bột hồng, bảo vệ thành công năng suất, hàm lượng tinh bột vào cuối vụ, được nông dân đánh giá cao; qua đó, Chi cục đã cung cấp nguồn ong cho các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đăk Lăk và Đại học Huế.
Thiết bị “Máy phun thuốc trừ sâu hại mía” của kỹ sư Nguyễn Trọng Hoà (Nông trường mía Thành Long) người liên tục đạt giải cao trong 3 kỳ thi cũng đã được sản xuất tại chỗ và phục vụ tích cực cho vụ sản xuất mía 2014-2015 của nông trường- đây chính là hai đề tài/giải pháp đạt giải cao nhất của hội thi lần này.
Trên lĩnh vực nuôi trồng cũng có nhiều mô hình tuy đơn giản, cụ thể nhưng hiệu quả thiết thực, có thể phổ biến đại trà để nâng cao chất lượng con giống, sản phẩm và năng suất nuôi trồng như: Mô hình nuôi cá thác lác kết hợp trồng rau nhút (Huỳnh Văn Thuận - Hoà Thành), Nuôi dế trên nền đất cho năng suất, lợi nhuận cao (Hồ Hữu Sơn - Châu Thành)…
Ở lĩnh vực công nghiệp, điện, công nghệ thông tin tuy đa số sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực này vẫn còn đậm chất thủ công, hàm lượng khoa học và kỹ thuật không cao; nhưng cũng không thiếu các sản phẩm có những đặc điểm kỹ thuật, mỹ thuật và mang tính khoa học khá rõ nét như:
Máy ép đột thuỷ lực 75 tấn EĐTL75-75T (Hồ Phước Vĩnh- Điện lực Hoà Thành), Hệ thống thông tin hỏi đáp trực tuyến tỉnh Tây Ninh (Nguyễn Tấn Đức- Sở Thông tin và Truyền thông), Biện pháp súc rửa đường ống truyền tải và phân phối tại Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Tây Ninh (Trịnh Thành Nghiêm - Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Tây Ninh), Thiết bị châm dung dịch vôi bằng bộ hút chân không trong xử lý nước thay thế bơm định lượng nhà máy nước Tây Ninh (Trần Hữu Giàu - Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Tây Ninh)…
Trong lĩnh vực này, một đề tài đáng chú ý là “Cách làm phân huỷ chai nhựa, phế liệu bền vững trong tự nhiên thành sản phẩm có ích phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày” (Nguyễn Xuân Phương - Châu Thành) tuy còn đơn giản và phải cải tiến thêm bộ phận xử lý khí thải nhưng đã thể hiện rõ ý thức của người dân trong tham gia bảo vệ môi trường.
Lĩnh vực y tế - bảo vệ sức khoẻ cộng đồng tuy vẫn có rất ít đề tài dự thi giống như những hội thi trước nhưng các đề tài/giải pháp ngày càng mang tính khoa học và đại chúng hơn: Khảo sát sự đề kháng kháng sinh và những giải pháp phòng ngừa năm 2012-2013 (Đỗ Hồng Sơn- Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh), Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và các phương pháp điều trị dị vật đường ăn tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh từ năm 2012-2014 (Huỳnh Ngọc Phượng- Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh) đã góp phần tích cực cho công tác điều trị và nâng cao chất lượng y tế tỉnh nhà.
Với một lực lượng trí thức hùng hậu, giáo dục - đào tạo luôn là ngành có nhiều đề tài/giải pháp tham gia hội thi, từ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và công đoàn, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên tham gia phong trào liên tục và đông đảo trong mỗi cấp học, bậc học, nhằm nâng cao chất lượng của giảng dạy và học tập, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực” của ngành.
Hàng loạt đề tài/giải pháp tham gia hội thi hướng đến việc ứng dụng tin học, sáng tạo đồ dùng dạy học, áp dụng phương pháp giảng dạy mới... với hiệu quả là tiết kiệm kinh phí, kích hoạt óc tư duy sáng tạo, nâng cao thể chất của học sinh như:
Thiết kế trò chơi học tập nhằm phát huy tính tích cực nhận thức cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trong hoạt động làm quen toán ở một số trường mầm non tỉnh Tây Ninh (Nguyễn Thị Anh Đào - Trường CĐSP Tây Ninh), Chuyên đề dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh; tính chất hạt của ánh sáng (Tạ Xuân Thơ - Trường THPT Tây Ninh), Xây dựng hệ thống câu hỏi nhằm phát huy tính tích cực của học sinh trong giờ học tác phẩm truyện ngắn “Vợ nhặt” và “Vợ chồng A Phủ” (Trương Văn Hùng - Trường THPT Hoàng Văn Thụ), Xây dựng phần mềm “Quản lý thi nghề học sinh phổ thông” ở Trung tâm GDTX Hoà Thành (Nguyễn Thị Hoàng Yến - Trường THPT Lý Thường Kiệt), Biện pháp quản lý, khai thác và sử dụng thiết bị dạy học Trường THPT Dương Minh Châu (Phạm Thị Kim Hương - Trường THPT Dương Minh Châu)…
Kết quả Hội thi Sáng tạo KH&KT tỉnh Tây Ninh lần 9 có 43 đề tài/giải pháp đạt giải (2 giải nhất, 4 giải nhì, 7 giải ba và 30 giải khuyến khích) chiếm tỷ lệ 26,38% tổng số đề tài/giải pháp dự thi. Căn cứ vào kết quả hội thi, Ban tổ chức đã chọn 5 đề tài/giải pháp tham dự Hội thi Sáng tạo KH&KT toàn quốc lần thứ XIII (2014 - 2015).
Đánh giá kết quả hội thi, bà Dương Thu Hiền- Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh - Trưởng Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo KH&KT tỉnh Tây Ninh lần 9 cho biết: “Hội thi lần này đã có những tín hiệu rất tích cực, không chỉ tăng về số lượng đề tài/giải pháp dự thi mà đề tài cũng phong phú, đi vào cuộc sống thực tiễn. Hội thi tiếp tục khẳng định là nơi hội tụ, phát huy tinh thần lao động sáng tạo, khơi dậy phong trào quần chúng tiến công vào khoa học kỹ thuật.
Đối tượng dự thi đa dạng, phong phú thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi tham gia, đã đóng góp tích cực vào việc áp dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Các đề tài/giải pháp dự thi cho thấy sự sáng tạo không ngừng của các nhà trí thức, đồng thời cũng có nhiều đề tài/giải pháp được sáng tạo từ các “lão nông tri điền” - chính họ là những “kỹ sư chân đất” sáng tạo ra những sản phẩm lao động có giá trị sử dụng thiết thực, làm giảm công lao động, đem lại năng suất, hiệu quả”.
Theo bà Dương Thu Hiền, điều đáng tiếc ở hội thi lần này là Ban tổ chức phát động 8 lĩnh vực, nhưng chỉ có 5 lĩnh vực có đề tài/giải pháp tham dự, 3 lĩnh vực không có đề tài/giải pháp dự thi là môi trường, xây dựng - giao thông - thuỷ lợi, tổ chức và quản lý xã hội, trong khi đây là những lĩnh vực còn rất nhiều bức xúc.
Một điều nữa là có ít doanh nghiệp tham gia hội thi, chứng tỏ phong trào lao động sáng tạo khoa học và kỹ thuật ở doanh nghiệp chưa được quan tâm, chưa xây dựng được “Quỹ đầu tư phát triển khoa học - kỹ thuật” từ chính các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, số lượng đề tài/giải pháp tham gia hội thi chưa đồng đều ở các lĩnh vực, chưa tương xứng với tiềm năng từng ngành, từng lĩnh vực; một số đề tài/giải pháp chưa được cơ sở tuyển chọn kỹ trước khi gửi tham gia hội thi nên có những hạn chế về chất lượng.
Với những tín hiệu vui từ hội thi lần thứ 9 này, hy vọng Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 10 (2016 - 2017) sẽ có những thành tựu cao hơn, thực sự là phong trào của quần chúng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Theo BTNO