Hội xuân Núi Bà 95 năm trước

Thứ sáu - 26/02/2016 09:00 92 0
Đang là mùa Hội xuân Núi Bà năm Bính Thân 2016. Du khách gần xa vẫn đang ngày đêm lũ lượt lên núi cúng Phật, viếng Bà. Lại nhớ năm 2015, một vị là phó giáo sư, tiến sĩ đến Tây Ninh công tác có mang theo một bản bút ký in trên 3 số báo Công Luận ra tháng 7.1921, tôi có xin sao chép lại. Nhân mùa hội xuân năm nay mới giở ra xem, nhằm đối chiếu cảnh cũ người xưa với hội núi bây giờ. Chẳng gì cũng đã 95 năm trôi qua, lại nhằm vào một thế kỷ quá nhiều biến động. Liệu có gì khác biệt về hội xuân ở núi Bà Đen?

 

​ Điện Bà năm 1920.

Bản bút ký ấy có tên là Tây Ninh - Vũng Tàu du ký. Tác giả là Biến Ngũ Nhy (hẳn là bút danh, chưa rõ tên thật là gì). Ông (hoặc bà) từ Sài Gòn đi Tây Ninh ngày mùng 2 tết “đặng nhơn hội tết lên viếng Điện Bà luôn thể”. Có vẻ đây là một người tôn trọng các lễ nghi truyền thống, vì: “ngày 30 và mồng một, giữ theo nề nếp cũ ở nhà cúng rước ông bà mừng xuân nhựt làm gương cho gia quyến vì xét mình chưa phải bực văn minh mà đã vượt khỏi lối xưa, lối cũ!”. Xin lưu ý, trên đoạn trích thứ nhất, tác giả đã nhắc đến hai chữ “hội tết” có lẽ đồng nghĩa với Hội xuân hôm nay. Như thế là ngay từ đầu thế kỷ 20, người dân Sài Gòn (và có thể cả Nam bộ) đã có tập quán đi chùa dịp tết ở núi Bà Tây Ninh.

Xin tạm bỏ qua hai bài “Đi Tây Ninh” trên số báo 419, nối sang số 420- tác giả tường thuật lại con đường lên Tây Ninh, lúc ấy mới có con đường quốc lộ 22A hiện nay để qua phố chợ Trảng Bàng và Gò Dầu Hạ cũng như mô tả tỉnh thành Tây Ninh lúc bấy giờ, để tiếp cận ngay bài viết trên số báo ngày 26.7.1921 nói về chuyến “Đi núi Điện Bà”. Tác giả có viết: “Xem các nơi trong tỉnh thành rồi liền biểu xe đánh thẳng vô núi Điện Bà”. Xe ở đây chắc là xe ngựa kéo, còn gọi là xe thổ mộ (tác giả đã thuê xe này đi lại trong phố Tây Ninh). Tác giả cũng viết: “Ra khỏi Châu Thành thì nhà cửa thưa thớt, đất gò ruộng xấu, bề sanh nhai thua kém các nơi. Tại đây trồng dưa hấu nhiều, song năm nay thất mùa nên cũng có ít. Đường vận tải cũng cam go, phần nhiều dân sự chỉ nhờ lộc rừng nên ít người giàu có. Đi khỏi Châu Thành chừng 4 ngàn thước thì tới rừng. Rừng ấy kêu là rừng độm, rộng lớn minh mông, ăn vào tận chân núi, bề ngang hơn 8 ngàn thước… Châu Thành lúc ấy hẳn mới kéo dài ra theo đường Trần Hưng Đạo lên đoạn Mũi Tàu ngày nay, nơi có chùa Như Lai (Ông Hổ). Mà chùa này mới có từ thập niên 30 nên phạm vi Châu Thành có lẽ còn nhỏ hơn nữa. Bốn ngàn thước đã tới rừng, nghĩa là khoảng từ chợ Ninh Sơn trở lên đã là rừng rú. Tác giả còn kể rằng: “cách năm bảy năm trước, những thiện nam tín nữ trong lục châu (chắc là lục tỉnh Nam kỳ) đi lên Điện Bà lấy làm khó nhọc vì chẳng có đường bộ, phải đi bằng xe bò, băng ngang rừng rất nên cực khổ. Sau nhờ có bà Tổng đốc Chợ Lớn xin Nhà nước khai đắp đường quan lộ vô đến chân núi… nhờ vậy mà ngày nay xe hơi, xe ngựa chạy đến chưn núi dập dìu, lấy làm tiện quá…”.

Như vậy là đến khoảng năm 1915, đường lên núi có 8.000 mét xuyên rừng, chỉ có thể đi  bằng xe bò. Vậy mới có cảnh mà nhà thơ Vân An miêu tả trong bài thơ “Núi quê mình”: “Đoàn xe bò đi trong đêm trăng/ Lụp cụp đường đá, rào rạo đường truông/ Tháng Giêng cả làng đi cúng núi/ Người người vui và nghiêm trang”. Trên một con đường khác về tỉnh lỵ là con đường Sứ ngày xưa, có một bài thơ viết bằng sơn chữ to ngay trên vách ngôi miễu thờ gần bên đường. Bài thơ đó là của ông Tư Lỹ- một nhà thơ nông dân, trong đó có đoạn: “Trong thời Pháp thuộc bùi ngùi/ Núi Bà núi Cậu ngược xuôi khó lòng/ xe bò, đi bộ dài công…”. Khó khăn là thế nhưng người dân Nam bộ vẫn lên núi viếng Bà, cúng Phật hằng năm. Xem đoạn văn của Biến Ngũ Nhy nói ở phần trên, ta càng chắc chắn rằng hồi đầu thế kỷ 20, núi Bà đã trở thành điểm hành hương của 6 tỉnh Nam kỳ.

Lần theo bước chân tác giả, ta còn thấy trên đường xuyên rừng có: “một cái truông, kêu là truông Hồng Đào. Trong rừng cũng có nhiều thú dữ như là cọp, beo song ít khi ra tới lộ…”. Đến chân núi: “có hai cái chùa, kêu là chùa chung”. Chắc tác giả đã lầm lẫn, vì phải gọi là chùa Trung mới đúng, ngôi thứ hai chắc là Long Châu Phước Trung ở đoạn phía trên Bảo tàng núi hiện giờ. Chùa cũng đã có các dịch vụ vác mướn đồ đạc, hành lý hoặc khiêng võng đưa người già lên núi. Từ chân núi lên Điện Bà mất hơn một giờ đồng hồ. Tác giả cũng kể về chuyện một người khách trú (Hoa kiều) ở hạt Tân An lên, khi thấy: “đường đi rất khó khăn, có chỗ phải vịn đá mà trèo” đã bỏ tiền thuê thợ cạy đá lót, có cấp bực như nấc thang “nên mới được dễ đi như thế”. Trên dốc Thượng, nơi có bậc thang đá cao vót cuối cùng lên sân Điện: “có cặm cây sắt làm trụ rồi cột một sợi dây dài hơn 50 thước mà làm rượng vịn, đặng vịn mà lên cho dễ…”. Chuyện con đường được sửa sang này diễn ra trong thời sư tổ Tâm Hoà trụ trì (tại vị từ 1919 đến 1937), theo sách “Ngọn đuốc cửa thiền” của Phan Thúc Duy.

Trên sân điện, năm ấy mới chỉ có: “bốn cái nhà, hai cái nhà ngói, một cái nhà giảng và một cái chùa Phật. Cả bốn ngôi đều cất bằng ngói, vách lụa…”. Đáng chú ý là hai nhà ngói lại cất ở bìa núi, phía bên hữu nấc thang lên (tức là khu nhà của Ban Bảo vệ hiện nay). Nhà giảng ở ngay trước mặt có lẽ là khu nhà trù (bếp) hiện tại. Cả một mặt bằng rộng rãi ấy chỉ có thêm ngôi chùa Phật (chùa chính hiện nay) và ngôi Điện Bà: “Ở cách chùa Phật chừng mươi thước, ở thụt vào trong… Ấy là một cái hang nhỏ ở giữa kẹt đá, trên có một gộp đá de ra như mái nhà…Trong điện có cái cốt (tượng) của bà bằng đồng để trong một cái ngai… khi nào có nhiều người lên cầu thì ngày đêm hương khói nghi ngút, chẳng khi nào dứt…”. Năm ấy đã có chùa Hang, theo tác giả kể thì: “dòm thì gần mà đi cũng đến mười lăm phút”. Và lúc ấy cũng đã có đặt ống nước (bằng tôn gò) để lấy nước suối trên đỉnh núi về nên: “ngày đêm đều có nước chảy luôn luôn”. Thầy chùa thì: “tiếp rước lịch sự, hễ ai lên thì chào mừng, mời uống nước ăn cơm tử tế”.

Nói thêm về pho tượng (cốt) Bà bằng đồng đặt trong Điện Bà. Pho tượng này có một số phận thật long đong. Trong kháng chiến chống Pháp, có lần quân Pháp chiếm núi, phá đổ chùa, đốt tượng. Pho tượng đồng chúng cướp mang đem về bán dưới phố Tây Ninh. Rồi tượng lưu lạc đến một cơ sở thờ tự đạo Cao Đài, cuối cùng nhờ có người mách bảo, các sư ở chùa Vĩnh Xuân mới tìm chuộc lại. Pho tượng nay đặt tại chùa Vĩnh Xuân ở khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh. Xem kỹ thấy còn cả vết đạn làm móp méo một phần sau đế. Thời ấy cũng có chuyện du khách viết tên mình lên các tảng đá trên chùa, việc này Biến Ngũ Nhy có kể lại: “tên của du khách biên vào vô số, có cả tên một cậu nào tự xưng là Bình Tây Vương, rất gớm thiệt!”.

Cuối cùng, cũng nên trích một đoạn nói về cảnh quan, tâm trạng của tác giả khi được ngắm nhìn một vùng sơn thuỷ hữu tình trước sân núi Điện Bà: “Nước đã trong lại ngọt, tắm mát lạnh thật là khoái chí. Lên tới đây tấm lòng vui vẻ mà chẳng biết vui tại đâu; đứng dựa lan can dòm xuống thấy đồng ruộng dưới xa, bờ mẫu dọc ngang như bàn cờ, cây cối lúp xúp; dòm lên trên thấy chót núi còn cao vòi vọi, trời chiều xanh bích, mây bạc vẩn vơ, tai chỉ nghe tiếng chuông ngân vang núi, chim chóc hót ngọn cây, lời thị phi vắng bặt thì quên hết sự tranh đua trong thế sự, ngỡ mình đã thoát khỏi phàm trần…”. Cảnh quan cơ bản thì ngày nay vẫn vậy. Nhưng đã có nhiều kiến trúc mới xây thêm trên sân núi Điện Bà. Và Hội xuân đông không thể tả! Vui thì chắc là hơn hẳn. Nhưng liệu có mấy người còn được cái cảm giác thư thái ngày xưa như tác giả kể về Hội tết 95 năm trước?

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây