HĐND tỉnh: Khảo sát kết quả thực hiện mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp của Gò Dầu

Thứ năm - 19/06/2014 00:00 103 0
Mới đây, ông Võ Hùng Việt - Chủ tịch HĐND tỉnh cùng với lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh và đại diện các sở, ngành có liên quan đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Gò Dầu về tình hình thực hiện các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp của huyện.

Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hùng Việt phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Gò Dầu.

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Gò Dầu cho biết, thời gian qua, trên địa bàn huyện có 4 mô hình liên kết, gồm: liên kết 4 nhà trên cây lúa, liên kết sản xuất bắp giống, liên kết sản xuất lúa giống và liên kết sản xuất rau an toàn.

Mô hình liên kết 4 nhà trên cây lúa được thực hiện từ năm 2010 đến nay. Qua 5 năm thực hiện số hộ nông dân và số diện tích tham gia mô hình không ngừng tăng lên. Tính từ năm 2010 đến nay, diện tích tham gia mô hình của toàn huyện là 4.105 ha. Lợi nhuận của cây lúa trong mô hình cao hơn ngoài mô hình từ 3 đến 4 triệu đồng/ha/vụ.

Về mô hình liên kết sản xuất bắp giống, đã triển khai trên địa bàn huyện từ năm 2004 đến nay. Hằng năm, diện tích đất sản xuất khoảng từ 600 đến 800 ha. Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Vụ Đông Xuân vừa qua, bình quân nông dân có lãi từ 40 đến 50 triệu đồng/ha/vụ.

Mô hình liên kết sản xuất lúa giống được hình thành nhằm sản xuất giống lúa tập trung cung ứng cho nhu cầu sản xuất tại địa phương. Ở các xã có mô hình liên kết 4 nhà đều xây dựng một tổ sản xuất lúa giống với quy mô từ 10 đến 12 ha. Từ đó giúp cho nông dân tham gia mô hình giảm được chi phí mua lúa giống từ 600.000-700.000 đồng/ha/vụ.

Mô hình liên kết sản xuất rau an toàn được thực hiện ở Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Rỗng Tượng (xã Thanh Phước), với 8 xã viên tham gia trên diện tích đất hơn 3 ha. Trình độ sản xuất của các xã viên ngày càng được nâng cao và sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn (VietGAP).

Cánh đồng thực hiện mô hình liên kết 4 nhà thâm canh cây lúa theo hướng VietGAP ở xã Bàu Đồn.

 Tuy nhiên, việc thực hiện các mô hình liên kết cũng còn những khó khăn hạn chế, do mối liên kết 4 nhà trên cây lúa chưa được hoàn thiện, thiếu doanh nghiệp tham gia tiêu thụ sản phẩm lúa gạo; mô hình liên kết sản xuất bắp giống chưa có sự tham gia của doanh nghiệp trong việc cung ứng phân bón; số hộ nông dân tham gia ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa giống với Trung tâm Giống nông nghiệp Tây Ninh còn quá ít; sản phẩm rau an toàn gặp khó khăn lớn là chưa tìm được đầu ra ổn định.

Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hùng Việt phát biểu đánh giá cao những kết quả đạt được của huyện Gò Dầu trong việc thực hiện các mô hình liên kết; đồng thời yêu cầu huyện báo cáo làm rõ thêm một số nội dung, cũng như ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của huyện.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây