Hàng hoá Tây Ninh “chậm vào” siêu thị

Thứ sáu - 21/12/2012 00:00 406 0
Tiêu chuẩn, điều kiện để hàng hoá được đưa vào Co.opmart bán đều không quá ngặt nghèo, nếu không muốn nói là khá đơn giản…

 

Ổi trồng ở huyện Dương Minh Châu bán trong Co.opmart

 

Tháng 9.2011, Co.opmart Tây Ninh - siêu thị đầu tiên được đầu tư ở Tây Ninh đi vào hoạt động. Trong hơn 1 năm qua, sức mua sắm hàng tiêu dùng, thực phẩm của người dân tại siêu thị luôn ở mức cao. Điều đó cho thấy nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người dân Tây Ninh đã có sự chuyển biến sang xu hướng “mua sắm hiện đại”. Nhiều người tiêu dùng tin rằng, hàng hoá được bán ở siêu thị sẽ được bảo đảm về chất lượng và độ an toàn hơn ngoài chợ nên họ chấp nhận sử dụng dù giá có nhỉnh hơn so với hàng hoá cùng loại bán ngoài chợ. Tuy nhiên, đáng buồn là đến nay, chẳng có mấy sản phẩm được nuôi, trồng, sản xuất ở Tây Ninh “bước chân” vào siêu thị.

SIÊU THỊ “MỞ CỬA” CHỜ HÀNG HOÁ ĐỊA PHƯƠNG

Mỗi tháng, Co.opmart Tây Ninh tiêu thụ rất nhiều loại thực phẩm, hàng tươi sống, rau, củ, quả và một số loại thịt, cá. Trong đó có những loại thực phẩm, rau, củ, quả mà Tây Ninh trồng, nuôi, sản xuất được. Thế nhưng, cho đến nay, lượng hàng hoá, nông sản được sản xuất tại Tây Ninh đưa vào siêu thị Co.opmart rất hạn chế. Ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Giám đốc Co.opmart Tây Ninh cho biết, tính từ khi khai trương hoạt động đến nay, siêu thị chỉ mới nhận tiêu thụ một số sản phẩm được sản xuất từ Tây Ninh như thịt heo (gần 52 tấn), thịt bò (8,2 tấn) và gần đây mới nhận tiêu thụ một số gà ta. Về rau, củ, quả, hiện siêu thị chỉ mới nhận tiêu thụ mãng cầu núi Bà Đen và ổi giống Đài Loan được trồng tại huyện Dương Minh Châu. Về sản phẩm chế biến, cho đến nay, Co.opmart Tây Ninh chỉ mới nhận tiêu thụ… bún, bánh canh, đường, gạo và bánh bông lan của Tây Ninh. Còn lại, toàn bộ thị phần rộng lớn về hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm, rau, củ, quả… đều do các nơi khác (chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh) cung ứng cho siêu thị - trong khi Tây Ninh “thừa sức”.

Một điều đáng tiếc nữa là, Tây Ninh có nhiều “đặc sản” nổi tiếng như muối ớt Tây Ninh, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, hạt điều nhân, kẹo đậu phộng rất được thị trường ưa chuộng thì tất cả các sản phẩm này đều “vắng mặt” trong siêu thị?

Liệu Co.opmart Tây Ninh có “đóng cửa” hay “làm khó dễ” đối với hàng hoá Tây Ninh? Hay hàng hoá được sản xuất ở Tây Ninh không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để “được vào” siêu thị? “Chúng tôi luôn khuyến khích các cơ quan chức năng, khuyến khích doanh nghiệp và người dân Tây Ninh cung ứng hàng hoá cho chúng tôi tiêu thụ. Thực tế thì các tiêu chuẩn, điều kiện để hàng hoá được đưa vào Co.opmart bán đều không quá ngặt nghèo, nếu không muốn nói là khá đơn giản. Chỉ cần đơn vị, tổ chức, cá nhân cung ứng hàng hoá có đủ chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hoá, có sự xác nhận của cơ quan chuyên môn bảo đảm hàng hoá đạt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm là chúng tôi nhận hàng tiêu thụ”, ông Bảo nói. Theo ông Phó Giám đốc Co.opmart Tây Ninh, nếu được cung ứng ổn định nhiều mặt hàng, không chỉ người cung ứng ở Tây Ninh được hưởng lợi, mà siêu thị cũng nâng được lợi thế cạnh tranh khi giảm giá thành sản phẩm đầu vào vì không phải mua, vận chuyển từ nơi khác đến.

NÔNG DÂN SỢ SIÊU THỊ “LÀM KHÓ”?

Từ hàng chục năm qua, Tây Ninh có nhiều vùng trồng rau, hoa màu lớn ở các huyện Châu Thành, Hoà Thành, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Trảng Bàng. Đến nay, trong tỉnh đã hình thành nhiều hợp tác xã trồng rau an toàn. Vài năm trở lại đây, người trồng rau ở nhiều địa phương đã được tập huấn, hướng dẫn trồng rau theo quy trình, chất lượng rau an toàn. Tây Ninh cũng là địa phương cung ứng một lượng rất lớn rau, củ, quả cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng cho đến nay, chưa có một cọng rau, trái ớt, trái cà nào được đưa vào tiêu thụ ở siêu thị. Theo cán bộ quản lý Co.opmart Tây Ninh, ông đã không ít lần đề cập với các cơ quan chức năng hỗ trợ nông dân đưa rau củ quả vào siêu thị và cũng đã được hứa sẽ xúc tiến nhưng đến nay chưa thấy nông dân nào, hợp tác xã trồng rau nào liên hệ để tiêu thụ nông sản trong siêu thị.

“Được biết, Tây Ninh hiện có nhiều nơi trồng rau theo mô hình rau an toàn. Nếu có xác nhận của cơ quan chức năng về rau an toàn, siêu thị chúng tôi sẵn sàng nhận vào tiêu thụ. Chúng tôi đang cần các loại rau có nhiều ở Tây Ninh như bồ ngót, rau dền, rau muống, mồng tơi, đậu rồng, cải, bầu, bí… Bình quân mỗi ngày, siêu thị chúng tôi tiêu thụ gần 5 tấn rau, củ, quả. Nếu lượng rau, củ, quả bảo đảm chất lượng, sẽ có khả năng không chỉ được tiêu thụ ở Tây Ninh mà còn được cung ứng cho nhiều siêu thị khác trong hệ thống Co.opmart”, ông Bảo cho biết thêm.

Ông Bảo giới thiệu mãng cầu núi Bà Đen bán trong Co.opmart

 

 Theo cán bộ quản lý Co.opmart Tây Ninh, có 2 nguyên nhân khiến nhiều nông sản, thực phẩm, sản phẩm chế biến ở địa phương không được đưa vào siêu thị tiêu thụ: do người dân còn ngần ngại trong việc tự tìm hiểu và tiến hành liên kết sản xuất – tiêu thụ với siêu thị; do người dân chậm được các cơ quan có liên quan hỗ trợ trong việc tìm hiểu và “đặt chân” vào thị trường tiêu thụ trong siêu thị. “Liệu có nguyên nhân thứ ba: siêu thị mua hàng hoá với giá thấp hơn giá nông dân bán cho thương lái hoặc bán ngoài chợ?”, phóng viên đặt câu hỏi. Cán bộ quản lý Co.opmart Tây Ninh khẳng định: Không bao giờ siêu thị chúng tôi mua nông sản, hàng hoá của nông dân thấp hơn giá bên ngoài. Bởi trong thực tế, mức giá thu mua của chúng tôi đưa ra là mức thu mua hàng hoá tại thành phố Hồ Chí Minh. Hơn nữa, chúng tôi luôn khuyến khích và mong muốn người dân, doanh nghiệp địa phương cung ứng hàng cho siêu thị vì còn có nguyên nhân: hàng hoá cung ứng tại chỗ luôn tươi ngon hơn khi phải mua, vận chuyển từ nơi khác đến.

NGƯỜI SẢN XUẤT CẦN ĐƯỢC HỖ TRỢ

Ông Hai Lo, một người làm vườn ở ấp Trường Lưu, xã Trường Đông (huyện Hoà Thành) cho biết hiện ông đang hoàn tất các thủ tục về vệ sinh an toàn thực phẩm để đầu năm 2013 chính thức đưa mít nhãn hiệu “Trường Lưu” cung ứng cho Co.opmart Tây Ninh. “Tôi chỉ tình cờ hỏi thăm và được cán bộ quản lý siêu thị khuyến khích làm các thủ tục theo quy định để cung ứng mít lâu dài cho Co.opmart Tây Ninh. Tôi trồng khoảng hơn 400 gốc mít (diện tích hơn 2 ha). Theo tính toán, bình quân mỗi năm tôi thu hoạch 40 tấn mít trái. Sau sơ chế (đóng hộp nhựa), tôi còn khoảng 12 tấn. Bình quân mỗi tháng tôi bán cho siêu thị 1 tấn mít thành phẩm. Nếu ổn định, mỗi năm tôi thu khoảng hơn 400 triệu đồng, lợi nhuận khá hơn nhiều so với bán ở ngoài”, ông Hai Lo nói. “Các cơ quan có liên quan cần hỗ trợ nông dân nhiều hơn trong việc phát triển thị trường tiêu thụ”, ông Hai Lo nói.

Trước thị phần rộng lớn của hệ thống siêu thị và trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm rau, củ, quả, nông dân và các hợp tác xã trồng rau cần được quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để họ phát triển sản xuất, góp phần tiến đến xây dựng vùng chuyên trồng rau an toàn theo định hướng của tỉnh. Cách đây không lâu, trao đổi với phóng viên về định hướng phát triển nghề trồng rau ở địa phương, một cán bộ ngành nông nghiệp huyện Châu Thành cho biết, huyện đang đẩy mạnh các công tác khuyến nông, hỗ trợ và khuyến khích nông dân phát triển nghề trồng rau an toàn, hướng tới chuyên canh rau sạch phục vụ thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Toàn huyện mỗi năm có khoảng 1.900 ha chuyên trồng rau, hoa màu (được xem là địa phương có diện tích rồng rau lớn nhất tỉnh). Từ vài năm nay, huyện đã có chủ trương khuyến khích, hỗ trợ nông dân trồng rau an toàn. Tuy nhiên, diện tích trồng và số hộ tham gia trồng rau an toàn còn rất ít. Trước đây, nhiều người cho rằng nếu trồng rau an toàn mà không có thị trường tiêu thụ thì “cũng như không”, bởi rau an toàn được bán ngoài chợ bằng với các loại rau “chưa an toàn”. Điều này đã khiến nhiều người không mặn mà với mô hình trồng rau an toàn.

Thế nhưng, đến nay, thị trường rau an toàn (bao gồm cả củ, quả, hoa màu) đã “mở cửa” tại Tây Ninh nhưng việc xúc tiến để đưa rau đến nơi tiêu thụ vẫn còn quá chậm chạp là điều đáng phải suy nghĩ!

Theo BTNO

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây