Hướng đi nào cho các doanh nghiệp chế biến cao su và tinh bột mì ở Tây Ninh

Thứ tư - 09/04/2014 00:00 89 0
Vừa qua, Ủỷ ban nhân dân tỉnh đã tổ chức họp mặt giữa chính quyền và các doanh nghiệp chế biến cao su, tinh bột mì trên địa bàn tỉnh. Đây là việc làm có ích, qua đó kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh, từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

      Về chế biến tinh bột khoai mì, toàn tỉnh hiện nay có 74 cơ sở chế biến; trong đó có 24 cơ sở sản xuất nhỏ. Tổng công suất của các nhà máy chế biến khoảng 4.842,50 tấn bột/ngày, tương đương với 4.249.293,75 tấn củ mì nguyên liệu. Mặc dù trong những năm qua sản phẩm tinh bột mì luôn có giá, từ đó người nông dân trồng mì phấn khởi thu được lãi lớn và kéo theo diện tích trồng mì không ngừng tăng và lấn át các loại cây trồng khác. Năm 2013 cả tỉnh đã trồng được 45.658 ha mì, đã cho sản lượng củ là 1.369.740 tấn, với số lượng như trên chỉ đáp ứng được 32,23% công suất các nhà máy. Nhưng với diện tích trồng mì như trên, so với quy hoạch vùng chuyên canh cây mì trên địa bàn tỉnh, đến năm 2015 là 30.000 ha thì hiện tại diện tích trồng mì đã vượt trên 152,19%. Một điều chắc chắn là nếu diện tích cây mì tăng thì diện tích các cây trồng khác bị thu hẹp lại và đó là một hậu quả, một hệ luỵ nếu không tính toán kỹ về lâu dài sẽ tổn hại cho kinh tế tỉnh nhà. Để đáp ứng được công suất chế biến của các nhà máy hiện nay, Tây Ninh phải có diện tích cây mì hoặc có vùng nguyên liệu tương ứng là 141.643 ha, có nghĩa là gấp 3 lần diện tích trồng mì hiện có của tỉnh, điều này là khó khả thi. Nếu trông chờ hoặc ỷ lại vào nguồn nguyên liệu từ các tỉnh lân cận, từ Cam-pu-chia thì cũng không dễ dàng vì các tỉnh lân cận tình hình cũng tương tự như Tây Ninh, còn Cam-pu-chia thì họ đang xúc tiến xây dựng nhà máy với các tỉnh giáp ranh với ta. Đó là chưa nói đến đầu ra, khoảng 90% tinh bột mì đều xuất sang Trung Quốc, thị trường này tuy rộng lớn, nhưng “mưa, nắng thất thường”, lúc này lúc khác không ổn định và giá cả đang có chiều hướng giảm.

      Đối với các doanh nghiệp chế biến mủ cao su, chiều hướng cũng như các doanh nghiệp chế biến tinh bột mì. Năm 2013 toàn tỉnh có 98.170 ha, với sản lượng 165.372 tấn, so với quy hoạch vùng chuyên canh cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 là 84.400 ha và sản lượng ước trên 162.222 tấn, thì diện tích trồng cao su năm 2013 đã vượt quy hoạch 13.770 ha và sản lượng vượt 3.150 tấn. Một điều hiển nhiên là diện tích cây cao su tăng thì có nghĩa là diện tích cây trồng khác bị thu hẹp lại, trong đó có diện tích trồng mía. Về chế biến, toàn tỉnh có 27 nhà máy chế biến mủ cao su, với công suất hiện nay mỗi ngày  cho ra khoảng 431 tấn sản phẩm, thì các nhà máy hiện nay cũng không thể sử dựng hết công suất.

      Song song đó, các nhà mày hiện nay đang đối mặt với một khó khăn thật sự đó là, theo quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh đến ngày 30/6/2014 các nhà máy chế biến phải có hệ thống xử lý nước thải ra môi trường đạt loại A. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay đối với các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì, chỉ có 3 cơ sở được kiểm tra, cơ quan chức năng xác nhận nước thải sau xử lý đạt loại A, 9 cơ sở đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm và đang đề nghị sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra xác nhận, các cơ sở còn lại đang bắt đầu hoặc chưa có động thái gì. Về chế biến cao su, đã có 5 cơ sở đầu tư công trình xử lý nước thải ra môi trường đạt loại A, 12 cơ sở đang trong giai đoạn thực hiện, còn lại các cơ sở khác chưa thực hiện.

        Tại buổi gặp mặt, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đề nghị được gia hạn thêm, nhưng đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc gặp mặt mong các doanh nghiệp thực hiện đúng theo thời hạn quy định của UBND tỉnh và cũng vì lợi ích chung của cộng đồng. Vấn đề dặt ra là tại sao còn nhiều doanh nghiệp chưa khẩn trương thực hiện ? Có mấy lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt loại A là rất tốn kém, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng tài chính, hoặc có thể có khả năng tài chính nhưng đầu tư vào đây vốn lớn, nhưng khả năng thu hồi là rất lâu, các doanh nghiệp không mặn mà. 

Thứ hai, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đòi hỏi có diện tích đất tương đối lớn, nhiều doanh nghiệp không lường trước được vấn đề này, bây giờ muốn có thêm diện tích đất để làm hệ thống xử lý chất thải cũng rất khó khăn, nhưng không thể không làm.

       Trong thời gian tới, để các doanh nghiệp chế biến tinh bột khoai mì và các doanh nghiệp chế biến mủ cao su hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, thiết nghĩ các cấp chính quyền, các doanh nghiệp cần phải thực hiện tốt các giải pháp sau:

Thứ nhất, đối với các cấp chính quyền, những người làm công tác quản lý nhà nước liên quan đến các lĩnh vực trên, cần thường xuyên thông tin, truyền thông đến các doanh nghiệp và người dân các thông tin về tình hình diện tích sản xuất các loại cây trồng trên, tình hình giá cả, tiêu thụ sản phẩm để từ đó người dân và doanh nghiệp cân nhắc trước khi trồng, cũng như muốn xây dựng nhà máy chế biến.

Thứ hai, cần có quy hoạch cụm các doanh nghiệp sản xuất chế biến tinh bột khoai mì, chế biến cao su ở những địa điểm phù hợp để dễ quản lý và đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải hiệu quả và ít tốn kém.

 Thứ ba, không nên cấp phép xây dựng thêm các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì và mủ cao su, nhất là đối với những dự án đầu tư xây dựng nhỏ, công nghệ lạc hậu thì kiên quyết không cấp phép, mà cần có định hướng và giải thích cho các nhà đầu tư, vì nếu không sẽ là sự lãng phí lớn của cải xã hội.

Thứ tư, thành lập các hội nghề nghiệp về trồng, chế biến tinh bột khoai mì, cao su cũng là biện pháp để bảo vệ quyền lợi người trồng và chế biến.

Nguyễn Nhiếm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây