Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 1.6-8.6.2016: Thư tịch và bản đồ cổ nước ngoài chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Thứ năm - 02/06/2016 09:00 47 0
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về những chứng cứ lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Báo Tây Ninh lược trích giới thiệu chuyên đề nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng.

 

Bìa sách El atlas abreviado và trang 139 liệt kê các địa danh thuộc Reino de Cochinchina (Vương quốc Đàng Trong), trong đó có quần đảo Hoàng Sa.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về những chứng cứ lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Báo Tây Ninh lược trích giới thiệu chuyên đề nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn -  Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng.

“… Đầu thế kỷ XVI, các nhà hàng hải người Bồ Đào Nha đã đến Biển Đông trong hành trình khám phá châu Á. Họ đã khảo sát, ghi chép và vẽ bản đồ về lãnh thổ của các vương quốc ở ven bờ Biển Đông và những đảo nằm ngoài khơi các vương quốc này. Họ đã định danh Pracel (hay Parcel) cho chuỗi đảo nằm ở ngoài khơi vương quốc Cochinchina hay Annam (Đàng Trong) (bao gồm cả quần đảo mà sau này họ gọi là Spratly Islands, tức quần đảo Trường Sa) và đặt tên cho quần đảo lớn nhất nằm ở cực bắc Pracel I. des baixos Cachina hay I. da Pracell, chính là quần đảo mà người Việt đương thời gọi là Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa.

Tiếp sau các nhà hàng hải người Bồ Đào Nha, các nhà quân sự, giáo sĩ, thương nhân... của Hà Lan, Pháp, Anh, Tây Ban Nha... đã đến đây tìm kiếm thị trường, giao thương, truyền giáo… Sự xâm nhập, khám phá và tìm hiểu lịch sử, địa dư... của các nước phương Tây ở khu vực này đã được ghi nhận trong nhiều thư tịch cổ của phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX.

Ngoài ra, họ cũng đo vẽ, thực hiện và xuất bản nhiều hải đồ, bản đồ về châu Á, Đông Nam Á và Biển Đông, trong đó có thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng những hòn đảo khác dọc theo bờ biển Việt Nam trong mối liên hệ địa dư với lãnh thổ Việt Nam.

Các thư tịch và bản đồ cổ này đã góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và những vùng biển đảo khác ở Biển Đông. 

A. THƯ TỊCH CỔ NƯỚC NGOÀI CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA

I. Đánh giá chung

Chúng tôi đã thu thập được hơn 100 tài liệu thư tịch nước ngoài có viết về quần đảo Hoàng Sa và quá trình khám phá, chiếm hữu xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Đó là những tập nhật ký hàng hải của thuỷ thủ đoàn; những hồi ký, du ký, tập ghi chép của các nhà thám hiểm địa lý; thư từ của các giáo sĩ; sách giáo khoa địa lý; từ điển bách khoa về địa lý thế giới; các công trình nghiên cứu về lịch sử và địa dư vùng châu Á - Thái Bình Dương của các học giả phương Tây, có liên quan đến Việt Nam - Biển Đông - Hoàng Sa và Trường Sa, được in ấn bằng các ngôn ngữ: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan…

Về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các tài liệu này đã ghi chép những nội dung sau:

1. Miêu tả vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu... của hai quần đảo này và các đảo, quần đảo liên quan trong Biển Đông.

2. Nhận thức của người phương Tây đương thời về quần đảo này và các hiểm hoạ tiềm ẩn mà quần đảo này gây ra cho tàu bè khi giao thương qua vùng biển này.

3. Giới thiệu các loài động, thực vật sinh sống trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và trong vùng biển phụ cận.

4. Ghi nhận người Việt đã từng đến đây đánh bắt hải sản, thu nhặt hàng hoá từ các tàu bè bị đắm trong vùng biển này, khai thác yến sào... từ thế kỷ XVII trở đi.

5. Ghi nhận mối quan hệ về mặt địa lý giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đối với vùng lãnh thổ nằm ở bờ phía Tây của Biển Đông, nay là miền Trung Việt Nam.

6. Ghi nhận Việt Nam đã có quá trình chiếm hữu và xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

II. Những tài liệu tiêu biểu

1. Tài liệu thế kỷ XVII - XVIII

- Thư từ trao đổi giữa đại diện thương điếm Hà Lan ở Hội An với chính quyền Đàng Trong liên quan đến vụ đắm tàu Grootebroek của Hà Lan trong vùng biển Hoàng Sa vào ngày 21.7.1634. Nội dung những thư từ này cho biết chính quyền Đàng Trong đã cử người cứu hộ tàu ngoài bị nạn tại vùng biển Hoàng Sa, đồng thời cũng đã tịch thu tài sản của tàu Grootebroek. Chủ tàu Grootebroek buộc phải chấp hành lệnh này, sau đó đã khiếu kiện quyết định sai trái này của chính quyền Đàng Trong và được hứa sẽ bồi thường thoả đáng bằng các hình thức đền bù khác. Như vậy, từ đầu thế kỷ XVII, chính quyền Đàng Trong đã làm chủ quần đảo Hoàng Sa, kiểm soát các hoạt động diễn ra trong vùng biển đảo này và buộc các tàu thuyền nước ngoài qua đây phải tuân thủ các quy định của chính quyền Đàng Trong, đồng thời đã giải quyết những khiếu kiện của họ khi có xung đột lợi ích.

- Sách El atlas abreviado (2 tập) là bảng chỉ dẫn các chữ viết tắt trong tập bản đồ của Francisco Giutisniani, xuất bản năm 1739. Trang 139 (tập 2) liệt kê các địa danh thuộc Reino de Cochinchina (Vương quốc Đàng Trong) gồm: Sinoe (Thuận Hoá), Quehao (Quy Nhơn?), Baubom (?), Faifo ó Haifo (Hội An) và Paracel Infla (quần đảo Hoàng Sa).

- Sách The Modern Part of an Univerfal Hiftory, from the Earlieft Account of Time, tập VII, xuất bản tại London (Anh) năm 1759. Trang 450, mục Hiftory of Kochinchina (Lịch sử Đàng Trong) có đoạn viết: “Trước khi rời khỏi vương quốc này, chúng ta không thể không mô tả vắn tắt một vài hòn đảo đáng kể thuộc về nó, người địa phương gọi là Pullos (những cù lao), với khá nhiều đảo dọc theo bờ biển, gồm: 1. Pullo Sicca, đảo hoang, không có người ở, trông như một cụm đá khô, không có cây hay đến cả một cọng cỏ; 2. Pullo Secca de Mare, một dải đảo hoang và đá khác, trải dài từ bãi cạn gọi là Paracels; 3. Pullo Cambir, cách bờ 15 hải lý, mặc dù khá rộng lớn nhưng cũng không có người ở”. Cụm từ “những hòn đảo đáng kể thuộc về nó (vương quốc Kochinchina)là sự thừa nhận Paracels (và các đảo được liệt kê trên đây) thuộc về vương quốc Kochinchina.

 

 

Đoạn văn xác nhận Paracels thuộc về vương quốc Kochinchina ở trang 450, mục Hiftory of Kochinchina (Lịch sử Đàng Trong), sách The Modern Part of an Univerfal Hiftory, from the Earlieft Account of Time, tập VII, xuất bản tại London (Anh) năm 1759.

- Sách Hedendaasgsche historie of het Vervolg van de Algemeene historie, xuất bản tại Amsterdam và Leiden (Hà Lan) năm 1772. Trang 673 liệt kê về các đảo thuộc vương quốc Kochinchina như: Pullo Sicca, Pullo Secca de Mare, Pullo Cambir, Pullo Canton. Trong đó Pullo Secca de Mare được miêu tả là một chuỗi các đảo đá khô cằn bắt đầu từ những bãi đá ngầm nguy hiểm có tên là Paracels.

- Hồi ký Reis van Lord Macartneij naar China, xuất bản tại Amsterdam (Hà Lan) năm 1799. Đây là ấn bản tiếng tiếng Hà Lan của cuốn hồi ký viết về hành trình đi sang Trung Hoa trong các năm 1792 - 1794 của phái bộ Anh quốc, do bá tước George Macartney (1737 - 1806) dẫn đầu. Phái bộ Macartney đã đến cảng Đà Nẵng vào năm 1793. Trong sách này có nhiều đoạn viết về Vương quốc Kochinchina và các địa danh thuộc Kochinchina như các đảo: Pulo Kambir de Terre (Cù Lao Xanh), Pulo Cecir de Mer (Cù Lao Thu), Quinong (Quy Nhơn), Varella (mũi Đại Lãnh), Pulo Ratan hay Pulo Kanton (Cù Lao Ré), Turon (Đà Nẵng), Donnai (Đồng Nai) và Paracels. Trang 223 ghi nhận Paracels thuộc về vương quốc Kochinchina.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây