Hướng tới giải thưởng Xuân Hồng lần thứ I: Nhớ anh Ba Trắng

Thứ ba - 25/12/2012 00:00 262 0
Mới năm nào, vào dịp kỷ niệm 61 năm Cách mạng tháng Tám, tranh của hoạ sĩ Tam Bạch còn được treo trang trọng tại Bảo tàng Đồng Nai, trong triển lãm mỹ thuật khu vực miền Đông Nam bộ 2006. Hôm ấy, do mệt nặng nên anh không thể đi cùng cánh hoạ sĩ Tây Ninh. Nhưng phòng tranh như vẫn có anh, bởi tác phẩm trưng bày của anh đã gợi lên cho người xem tại đây một niềm xúc động sâu xa.

 

Hoạ sĩ Tam Bạch tại một cuộc triển lãm khu vực

 

Vâng! Ai mà không nhận ra người tù bị còng tay và chân giữa xà lim- trong bức tranh ấy chính là anh- hoạ sĩ Tam Bạch, tên thật Nguyễn Ngọc Thừa, mà anh em văn nghệ vẫn thân mến gọi là anh Ba Trắng. Cái dáng người khòm xuống. Tấm lưng gầy guộc. Nhưng trên bức tường xám lạnh xà lim phía trên đầu người tù ngời sáng một chân dung- hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh- Nguyễn Ái Quốc hồi cách mạng mới thành công.

Về chuyện vẽ chân dung Bác trong nhà tù, anh có kể lại trong sách “Mỹ thuật với Bác Hồ” do Hội Mỹ thuật Việt Nam xuất bản năm 2002. Đấy là đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, anh tham gia Hội Học sinh, sinh viên giải phóng miền Nam và bị địch bắt. Người sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định ấy chưa một lần thấy Bác, chưa một lần được ngắm ảnh Người, ngoài một lần duy nhất được má cho xem tờ bạc Cụ Hồ hồi năm lên 8 tuổi. Vậy mà giữa xích xiềng, cùm gông, chỉ bằng những câu chuyện kể của các bạn tù, bằng sự quyết tâm anh đã vẽ lên hình ảnh Bác. Kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1962 giữa khám Chí Hoà, bức tranh đã được treo lên trang trọng trong niềm hân hoan của các tù nhân.

Ai hay chính tác phẩm đầu tiên về Bác ấy đã như cái nghiệp vận vào đời anh Ba Trắng. Anh trở thành người hoạ sĩ được vẽ chân dung Bác Hồ nhiều nhất ở Tây Ninh thời kháng chiến chống Mỹ. Ra tù năm 1964, anh lại “lên xanh”, trực tiếp cầm cọ và cầm súng. Trong bài viết của mình in trong tập sách “Lòng dân Tây Ninh với Bác Hồ”- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh xuất bản năm 1990, tác giả Thu Trâm có ghi lại những kỷ niệm nhớ đời của anh Ba Trắng ngày Bác Hồ ra đi. Đấy là lúc anh đang ở căn cứ Tà Pôi của Ban Tuyên huấn: “Ngoài trời, mưa như trút nước. Nước mưa trắng xoá các đồng trảng chung quanh căn cứ chúng tôi. Mưa liên tiếp 3 ngày đêm. Mưa như chia sẻ nỗi đau buồn…”. Trong khung cảnh ấy, Tỉnh uỷ tổ chức lễ tang Bác theo chỉ đạo cấp bách của Trung ương Cục. Chỉ trong vòng một ngày, anh Ba Trắng đã hoàn thành 6 bức chân dung Bác, hoạ sĩ Võ Đồng Minh hoàn thành 3 bức. Buổi lễ tang, theo lời kể của ông Phan Văn- nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ lúc bấy giờ là: “Lễ trang trọng, uy nghiêm. Chân dung Bác rất lớn, cao gần tới nóc nhà”. Sau này, nhớ và kể lại, anh Ba Trắng nói trong lòng anh như vẫn vang lên những câu thơ đã thuộc lòng từ khi còn ở trong tù: “Trán cha rộng như chiếu trùm thiên hạ/ Tóc cha bạc như đồi non băng giá/ Chống trời cao và đội tuyết cho thế nhân…”.

Một năm sau, ngôi nhà tưởng niệm Bác đã được Ban Tuyên huấn xây dựng trên căn cứ Rừng Nhum (huyện Bến Cầu) cho chiến sĩ, đồng bào đến viếng. Sách “Truyền thống ngành Tuyên giáo 1945-2000 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ xuất bản có ghi: “Đồng chí Ba Trắng- Trưởng tổ hội hoạ đã đem hết tài năng của mình vẽ chân dung Bác, được tập thể Ban Tuyên huấn đánh giá là bức chân dung của Bác đẹp nhất và lớn nhất từ trước tới nay”.

Hoạ sĩ Tam Bạch- người anh lớn của giới mỹ thuật Tây Ninh không còn nữa! Nhưng anh chị em cùng giới và nhiều người Tây Ninh khác sẽ vẫn còn nhớ mãi về anh. Về một người anh bao dung, nhân hậu, hiền lành với tất cả những người làm văn học nghệ thuật, không kể ở bộ môn nào. Những năm cuối đời, dù tuổi cao sức yếu, tiền lương hưu còm cõi, anh vẫn vẽ và gửi tranh tham gia triển lãm trong tỉnh và khu vực, không sót một cuộc nào. Giữa biết bao những trường phái hội hoạ siêu siêu thực thực, rực rỡ những tông màu nóng lạnh, anh vẫn trung thành với đề tài kháng chiến. Những “Nỗi đau còn đó”. “Xuân chiến khu”, “Dừng chân giữa rừng” v.v… chẳng hạn. Và bức mới treo trong triển lãm miền Đông kể ở trên- “Khi gian khổ nhất”. Anh cũng đã để lại những hình tượng nghệ thuật cao đẹp về cuộc kháng chiến của dân tộc trên bức phù điêu lớn ở khu di tích chiến thắng Tua Hai, cũng như ở nhiều công trình khác. Nhưng sự tâm đắc nhất của anh, vẫn là những tranh vẽ chân dung Bác Hồ.

Hồi ký “Trong tù tôi vẽ Bác” của hoạ sĩ Tam Bạch in trong sách của Hội Mỹ thuật (sách đã dẫn), có viết: “Làm hoạ sĩ trong chiến tranh, tôi vẽ nhiều về Bác. Nhưng lần vẽ Bác trong tù là một ấn tượng với những kỷ niệm khó quên cho đến chết…”. Có ai ngờ rằng, câu này đã nghiệm đúng vào anh. Để bức tranh cuối cùng của anh để lại sau những cơn đau do căn bệnh hiểm nghèo hành hạ là thể hiện chính mình, khi lòng anh có Bác.

Hẳn là hương hồn anh sẽ mau siêu thoát và trở về bên Bác ở chốn xa kia- như người ta nói: Chốn vĩnh hằng. Chắc anh sẽ vui hơn khi biết tin này: Trong danh sách trao giải thưởng VHNT Tây Ninh mang tên giải Xuân Hồng lần thứ nhất, đã có tên anh: Hoạ sĩ Tam Bạch- Nguyễn Ngọc Thừa.

Theo BTNO

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây