Hướng xử lý tủ sách pháp luật theo quy định tại Quyết định số 14/2019/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ

Thứ hai - 23/03/2020 18:00 485 0
Toàn tỉnh hiện có trên 1.050 Tủ sách pháp luật (TSPL) ở xã, phường, thị trấn và ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Trong năm 2019, các Tủ sách pháp luật đã phục vụ cho 12.037 lượt cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đến nghiên cứu, tham khảo. Tuy nhiên, hiện nay do công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ nên việc tra cứu các văn bản pháp luật trên mạng rất nhanh chóng và thuận tiện, vì thế cán bộ, công chức, viên chức và người dân phần lớn lực chọn việc tra cứu văn bản pháp luật trên mạng thay cho việc tra cứu tại Tủ sách pháp luật của địa phương. Vì vậy, số lượt người đến Tủ sách pháp luật nghiên cứu ngày một giảm dẫn đến việc khai thác hiệu quả của Tủ sách pháp luật chưa cao, ảnh hưởng đến kinh phí của ngân sách nhà nước.

Huongdanxulytusach.gif

Ảnh minh họa

Ngày 19/3/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn số 526/UBND-NCPC đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ sau:

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ duy trì Tủ sách pháp luật tại các xã biên giới. Đồng thời, sáp nhập Tủ sách pháp luật các xã còn lại thành bộ phận sách, tài liệu pháp luật của điểm Bưu điện - Văn hóa xã, Trung tâm Văn hóa, Thể thao, học tập cộng đồng  phù hợp với thực tiễn tại địa phương để thuận tiện khai thác hiệu quả. Bố trí kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động của Tủ sách pháp luật đến hết năm 2020. Từ năm 2021, kinh phí xây dựng, quản lý, khai thác sách, tài liệu pháp luật được bố trí trong kinh phí hoạt động của thiết chế văn hóa - thông tin mà Tủ sách pháp luật được sáp nhập. Việc sáp nhập Tủ sách pháp luật hoàn thành trước ngày 31/12/2020.

Đối với Tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị được xây dựng theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác TSPL mà không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 1 của Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét quyết định việc tiếp tục duy trì hay không duy trì Tủ sách pháp luật, theo các hướng sau:

Nếu còn phát huy hiệu quả và cần thiết thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét quyết định việc tiếp tục duy trì và tiến hành kiểm kê, lưu giữ, quản lý các đầu sách, tài liệu theo quy định của pháp luật. Nếu tiếp tục duy trì Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị thì chỉ đạo, hướng dẫn, bố trí kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động của Tủ sách pháp luật đến hết năm 2020. Từ năm 2021, thực hiện xã hội hóa việc quản lý, khai thác TSPL theo hướng tự quản cộng đồng; bố trí kinh phí cho các xã biên giới xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật theo quy định tại Điều 4 của Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg.

Nếu không tiếp tục duy trì Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị thì chỉ đạo tổ chức lưu giữ, quản lý các sách, tài liệu pháp luật hiện có phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị theo quy định về quản lý tài sản công và hoàn thành trước ngày 31/12/2020; bố trí kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động của Tủ sách pháp luật đến hết năm 2020; chỉ đạo lựa chọn sách, tài liệu phù hợp, có giá trị để số hóa, cập nhật trên dữ liệu thành phần của Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia theo phạm vi thẩm quyền quản lý.

Đối với Tủ sách pháp luật tại các cơ sở giáo dục tiếp tục duy trì và có các hình thức hoạt động, sử dụng phù hợp, hiệu quả để tạo điều kiện cho giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên, học viên tiếp cận, tham khảo và nghiên cứu. Đối với Tủ sách pháp luật của cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân tiếp tục duy trì và hoạt động theo quy định tại Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg.

NL


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây