Hành trình của lòng nhân ái

Thứ bảy - 06/07/2013 00:00 277 0
Một hành trình của lòng nhân ái khởi đầu từ ngày (07-7) mang tên "Hành trình đỏ". Đây là hành trình xuyên Việt đầu tiên, kéo dài hơn ba tuần do Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương phối hợp với Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tổ chức, với sự tham gia của hàng trăm cơ quan, đơn vị, cùng hàng nghìn tình nguyện viên và các tầng lớp nhân dân. Hành trình sẽ qua 35 tỉnh, thành phố với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt”, nhằm tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, sống vì cộng đồng của người dân Việt Nam.

Nhiều nghệ sĩ đồng hành trong chương trình 'Hành trình đỏ'. Ảnh: Ngôi sao

Một hành trình quy mô nhất từ trước đến nay với mục đích đạt tới một triệu đơn vị máu trong năm nay, góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu trong điều trị bệnh cứu người ở các cơ sở y tế . Cùng với "Hành trình đỏ", hoạt động nhân đạo, tình nguyện hiến máu cứu người đã trở thành phong trào, được nhiều ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức vận động trong nhiều năm qua. Rất nhiều cuộc vận động, chiến dịch, lễ hội hiến máu tổ chức ở các địa phương, trường học như "Lễ hội Xuân hồng", "Ngày hội hiến máu tình nguyện", "Những giọt máu mùa hè", "Ngàn trái tim hồng"... đã thu được kết quả tốt với hàng nghìn đơn vị máu. Điều đó thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, lòng nhân ái Việt Nam.

Lòng nhân ái đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc ta. Tinh thần “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” là đạo lý ngàn đời nay. Lòng nhân ái của dân tộc ta còn bắt nguồn từ hai tiếng "đồng bào", từ bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ để gắn kết, tạo nên cội nguồn sức mạnh. Trong lịch sử, rất nhiều anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân, từ Hùng Vương, Nguyễn Trãi, đến Chủ tịch Hồ Chí Minh... luôn đề cao sức mạnh nhân nghĩa, mà sức mạnh đó bắt nguồn từ lòng nhân ái của con người. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói “Cái gốc của đạo đức, luân lý là lòng nhân ái". Vì vậy, lòng nhân ái là biểu hiện cao đẹp của con người. Nhân ái là cái gốc của đạo đức, là nền tảng của luân lý xã hội.

Đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đau thương mất mát nhiều. Trên đường phát triển công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong lao động và các hoạt động xã hội, có những người không may bị tai nạn rủi ro, bệnh tật, rất cần máu để điều trị. Những khi ấy, phẩm chất nhân ái của con người biểu hiện qua sự cảm thông, chia sẻ, đồng cảm và trách nhiệm, giúp đỡ lẫn nhau. "Một giọt máu đào cho đi, một cuộc đời ở lại" chính là thông điệp kêu gọi lòng nhân ái, nhân văn ở mỗi con người. "Lễ hội Xuân hồng", "Hành trình đỏ" hay những cuộc vận động, phong trào hiến máu tình nguyện, không chỉ đến đích cuối là những đơn vị máu, mà cao hơn ở đó là sự khêu gợi, xây dựng, bồi đắp lòng nhân ái của mỗi con người, của cộng đồng, nhằm nhân lên sức mạnh đấu tranh, đẩy lùi bệnh vô cảm, tiêu cực trong xã hội.

"Hành trình đỏ" - hành trình của lòng nhân ái là sự gieo mầm hôm nay, kết trái tốt đẹp của ngày mai, làm cho xã hội ta ngày càng đẹp hơn, con người giàu lòng nhân ái hơn, để từ đó tạo nên sức mạnh vô địch. Để khơi dậy lòng nhân ái trong con người, không chỉ là một hành trình mà cần sự chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể, của cả cộng đồng xã hội. Cần làm tốt việc tuyên truyền, vận động, với nhiều phương thức, hình thức, trong đó có vai trò rất quan trọng của các phương tiện thông tin đại chúng, để khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm của mỗi người trong việc hiến máu cứu người. Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp cần làm tốt công tác tham mưu, đề xuất phương án, giải pháp thích hợp để công tác vận động hiến máu tình nguyện trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, sẵn sàng vận động mọi người tham gia chia sẻ những giọt máu của mình để cứu sống người bệnh.

Theo http://www.qdnd.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây