Hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Campuchia: Tiềm năng chưa tương xứng

Thứ sáu - 13/05/2016 09:00 223 0
Đó là nhận định của ông Trần Quốc Toản- Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và miền núi, Bộ Công thương tại Hội nghị tập huấn, tuyên truyền kết quả phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia vừa diễn ra tại Tây Ninh.

Tây Ninh - Cửa ngõ phát triển thương mại biên giới Việt Nam-Campuchia-Lào

Đánh giá trên cũng rất đúng với thực trạng ở tỉnh Tây Ninh chúng ta. Trên thực tế, Tây Ninh có vị trí thuận lợi, tiềm năng lớn để phát triển thương mại biên giới. Phía Tây và phía Bắc của tỉnh giáp với ba tỉnh của Campuchia (Svayrieng, Prayveng và Tboung Khmum). Hệ thống đường xuyên Á đi qua tỉnh dài 28 km, nối liền thành phố Hồ Chí Minh và Phnompenh, đi qua Khu Công nghiệp Trảng Bàng và Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Con đường xuyên Á này được ví như “con đường tơ lụa của ASEAN”.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có Quốc lộ 22B qua cửa khẩu quốc tế Xa Mát sang các tỉnh Tboung Khmum, Kampong Thom, Siemreap, trong đó phần đi qua địa bàn tỉnh Tây Ninh dài 70 km.

 

Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Ảnh minh hoạ

Hệ thống cửa khẩu của Tây Ninh rất phong phú và đa dạng, đây là tiền đề cho việc giao thương với Campuchia và các nước trong khu vực. Hiện tại, tỉnh Tây Ninh có hai cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài và Xa Mát, cùng với đó là bốn cửa khẩu chính Chàng Riệc, Phước Tân, Kà Tum và Tống Lê Chân. Trong bốn cửa khẩu chính này thì các cửa khẩu  Chàng Riệc, Phước Tân và Kà Tum đã thông quan hàng hóa của Việt Nam và Campuchia xuất, nhập khẩu qua biên giới; tuy nhiên chưa được làm thủ tục xuất, nhập cảnh người và phương tiện. Còn lại cửa khẩu Tống Lê Chân chỉ tổ chức hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.

Tây Ninh còn có 10 cặp cửa khẩu phụ gồm Vạc Sa, Cây Gõ, Tân Phú, Vàm Trảng Trâu, Tà Nông, Long Phước, Long Thuận, Phước Chỉ, Cây Me và Tân Nam. Những cặp cửa khẩu phụ này đã được chính quyền hai địa phương cấp tỉnh giáp biên thỏa thuận ký kết, giải quyết cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, trong đó, cửa khẩu phụ Vạc Sa đã có hoạt động xuất, nhập khẩu từ tháng 8 năm 2008. Tỉnh Tây Ninh hiện đang thỏa thuận với các tỉnh Svayrieng và Tboung Khmum về việc mở ba cặp cửa khẩu phụ và 11 đường mòn, lối mở.

Tây Ninh đã được chính phủ cho phép thực hiện các hoạt động xuất, nhập khẩu và mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới qua các cửa khẩu. Công tác phân giới cắm mốc trên biên giới cơ bản hoàn thành cũng tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế thương mại biên giới, đặc biệt là việc triển khai các dự án khu kinh tế cửa khẩu, khu dân cư, khu chợ biên giới, chợ cửa khẩu, đường giao thông…

Để các doanh nghiệp và cư dân biên giới 2 bên qua lại mua bán dễ dàng, tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách mới, như đầu tư làm đường giao thông ra các cặp cửa khẩu; phát triển chợ biên giới; miễn thuế nhập khẩu cho cư dân biên giới nếu giá trị hàng hóa không quá 2 triệu đồng/ngày, mở thêm nhiều cặp cửa khẩu, đường mòn, lối mở.

Những năm qua, để khai thác thế mạnh thương mại biên giới, Tây Ninh rất chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống chợ vùng biên. Hiện trên địa bàn tỉnh có 25 chợ của 17 xã biên giới. Tỉnh đã nâng cấp một số cửa khẩu phụ lên cửa khẩu chính, lập khu cách ly, kiểm dịch, lò giết mổ động vật nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cư dân biên giới xuất, nhập khẩu trâu bò, hàng nông sản và các loại hàng hóa khác, thúc đẩy mối quan hệ thương mại, tạo việc làm và tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho cư dân khu vực biên giới.

Tây Ninh mở rộng vùng nguyên liệu mía sang đất Campuchia- Ảnh minh hoạ

Với những thuận lợi và nhiều nỗ lực, hoạt động trao đổi, thương mại biên giới của Tây Ninh thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu. Theo thống kê, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đạt gần 1 tỷ USD, tăng bình quân trên 40%/năm.

Hiện nay, các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và cư dân tỉnh Tây Ninh đã và đang tăng cường đầu tư tại Campuchia, chủ yếu là sản xuất nông sản. Tỉnh có ba doanh nghiệp và 16 hộ đầu tư sản xuất trên diện tích 800 ha tại Campuchia (chủ yếu trồng mì, mía). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng Việt Nam sản xuất như hàng bách hóa tổng hợp, hàng da dụng (giầy da, va ly, túi xách), sản phẩm nhựa, quần áo, vỏ ruột xe, giường gỗ, nến...

Cư dân biên giới Campuchia cũng thường xuyên qua Tây Ninh mua các loại hàng thiết yếu (như hàng may mặc, đồ gia dụng, hoa quả, thực phẩm, vật liệu xây dựng…) và bán các loại nông sản (mì, hạt điều, đậu, lúa gạo, gia súc…).

Có thể khẳng định, từ năm 2009 đến nay, hoạt động thương mại biên giới của tỉnh Tây Ninh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh, cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với việc khuyến khích phát triển kinh tế thương mại biên giới.

Chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế

Cũng theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Công thương, hiện vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế của cả hai bên Việt Nam-Campuchia vẫn chưa khai thác hết. Nguyên nhân chính xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ, toàn diện của một số cán bộ từ các cấp Trung ương, địa phương đến các doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương mại biên giới trong nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh cộng đồng ASEAN đã hình thành.

Hơn nữa, mặc dù hành lang pháp lý quy định về thương mại biên giới của hai nước đã được rà soát, cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn một số quy định trong cơ chế, chính sách chưa được điều chỉnh kịp thời.

Một gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở thủ đô PhnomPenh, Campuchia- Ảnh minh hoạ

Về vấn đề này, ở Tây Ninh, qua tìm hiểu của chúng tôi, tình hình phát triển kinh tế thương mại của các địa phương biên giới của tỉnh cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được là tương đối lớn và cơ bản, vẫn còn những hạn chế, trong đó đáng kể nhất là:

Thứ nhất về cơ sở hạ tầng chưa đáng ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là vấn đề giao thông, điện, chợ đầu mối. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại lạc hậu, không đồng bộ, thiếu quy hoạch nên chắp vá, manh mún. Mạng lưới chợ phân bố chưa đều, nhiều chợ mới chỉ xây dựng tạm, không đủ không gian buôn bán và tập kết hàng hoá. Thiếu các chợ đầu mối, các trung tâm bán buôn nông sản, nguyên liệu và hàng công nghiệp. Hệ thống chợ ở khu vực vùng sâu, vùng xa còn kém phát triển. Hệ thống trung tâm thương mại mới manh nha hình thành. Hoạt động thương mại biên giới còn yếu, phổ biến là buôn bán nhỏ. Việc quản lý giao thương còn nhiều bất cập. Các dịch vụ bổ trợ như môi giới, tư vấn, sơ chế, đóng gói, xếp dỡ và vận chuyển… chưa phát triển.

Thứ hai là nền tảng kinh tế cho thương mại biên giới còn hạn chế: Nông nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng, công nghiệp thì nhỏ lẻ, manh mún, du lịch thụ động, chưa khai thác thế mạnh của tuyến du lịch Việt Nam- Campuchia- Lào- Thailan. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia đang gặp khó khăn về thủ tục đưa sản phẩm về nước. Chính phủ Campuchia đang có những chính sách tạm ngưng cho doanh nghiệp nước ngoài sở hữu đất đai.

Cũng trên lĩnh vực phát triển thương mại biên giới, ở Tây Ninh đang đối diện nhiều vấn đề nan giải, đặc biệt là các vấn đề sau: Tây Ninh chưa đánh giá một cách căn cơ, có cơ sở khoa học và thực tiễn về các thế mạnh, tiềm năng và thách thức trong phát triển thương mại biên giới của tỉnh. Vấn đề này đã được nhiều cơ quan nghiên cứu và cá nhân đề cập ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng nhìn chung chưa có câu trả lời đầy đủ và có sức thuyết phục.

Tuy đã xác định được chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và các huyện, nhưng việc xác định chiến lược phát triển thương mại biên giới phù hợp với điều kiện của tỉnh đang là một vấn đề còn bỏ ngỏ. Hiện nay, dù đã xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhưng chưa có quy hoạch phát triển cho thương mại biên giới. Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới như hiện nay, Tây Ninh cũng chưa có các giải pháp tốt hợp tác với Campuchia để cùng xây dựng vùng biên giới chung phồn thịnh. Đây cũng chính là những vấn đề mà tỉnh Tây Ninh cần tháo gỡ để phát triển thương mại biên giới trong thời gian tới.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây