Hiện trạng môi trường tỉnh Tây Ninh

Thứ sáu - 02/08/2013 00:00 1.165 0
Theo dự báo diễn biến môi trường tại Chiến lược môi trường tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong thời gian tới chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng xấu đi. Vấn đề này gây ảnh hướng đến cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như các tỉnh, thành phố trên lưu vực.

Rạch Tây Ninh đoạn qua khu phố 2, Phường 2, Thị xã Tây Ninh

Chất lượng nước sông Vàm Cỏ Đông có dấu hiệu ngày càng bị ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm chất hữu cơ và mức độ ô nhiễm có xu hướng tăng dần về phía hạ nguồn. Chất lượng nước tại rạch Rễ, rạch Trưởng Chùa, rạch Tây Ninh có dấu hiệu ô nhiễm hơn so với các khu vực khác, giá trị các thông số ô nhiễm cao hơn và mức độ ô nhiễm đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

Chất lượng nước Sông Sài Gòn được đánh giá theo tiêu chuẩn QCVN 08:2008/BTNMT loại A1, do nước trên tuyến sông này được dùng trong cấp nước sinh hoạt. Nhưng chất lượng nước có dấu hiệu ngày càng bị ô nhiễm hơn. Chất lượng nước tại đập chính hồ Dầu Tiếng, cửa xả Kênh Đông và Kênh Tây cần phải được xử lý phù hợp trước khi sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Đặc biệt, tại vị trí bến đò Bùng Binh có giá trị các chỉ tiêu cao hơn và vượt quy chuẩn nhiều hơn hẳn so với khu vực khác. Nước tại đây không còn sử dụng cho sinh hoạt mà chủ yếu cung cấp cho tưới tiêu nông nghiệp.

Hiện trạng chất lượng nước ngầm trên địa bàn tỉnh chủ yếu bị ô nhiễm vi sinh và có giá trị pH thấp do ảnh hưởng từ đất phèn tại khu vực. Đa số các giếng nước khai thác ở tầng nông, gần nhà vệ sinh, chuồng trại dễ bị nhiễm bẩn.

Ngoài ra, không khí trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chỉ bị ô nhiễm chủ yếu đối với chỉ tiêu bụi và ồn tại các điểm có mật độ giao thông lớn như quốc lộ 22, quốc lộ 22B hoặc ở những khu vực tập trung dân cư xen lẫn sản xuất công nghiệp.

Công tác thu gom chất thải rắn trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, phương tiện thu gom vận chuyển hết sức thô sơ, hiệu quả thu gom thấp, biện pháp xử lý chủ yếu là đổ đống tự nhiên, ảnh hưởng tới  môi trường là rất lớn. Chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn cao gấp 4.1- 4.4 lần lượng rác phát sinh ở đô thị. Tổng khối lượng chất thải rắn đô thị thu gom được là 80 tấn/ngày chiếm tỷ lệ 65%, chủ yếu tập trung trên địa bàn Thị xã Tây Ninh, huyện Trảng Bàng, Hòa Thành, Châu Thành, Dương Minh Châu. Chất thải rắn đô thị được vận chuyển về bãi chôn lấp quy mô 20ha thuộc xã Tân Hưng, huyện Tân Châu.

Chất thải rắn công nghiệp phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 65 tấn/ngày, đều được doanh nghiệp trong các khu công nghiệp xử lý theo quy định. Chất thải y tế ước tính khoảng 0,74 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị chiếm 70%). Tại tỉnh đã đầu tư xây dựng 10 lò đốt rác thải y tế chuyên dụng, 05 trạm xử lý nước thải cho các cơ sở khám chữa bệnh cấp tỉnh và cấp huyện để khắc phục ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở y tế chưa thực hiện đúng Quy chế quản lý chất thải y tế do Bộ Y tế ban hành như chưa phân loại tốt rác y tế và rác sinh hoạt để xử lý hợp vệ sinh. Phần lớn các cơ sở đã lắp đặt lò đốt rác nhưng đến nay đa số bị hư hỏng do chưa được sửa chữa kịp thời.

Vì vậy, nhằm ưu tiên phòng ngừa và kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra các biện pháp bảo vệ môi trường, từng bước phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, thực hiện các nhóm giải pháp để phòng ngừa, kiểm soát các nguồn lây ô nhiễm; cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái; đẩy mạnh cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường; khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Hoàng Mai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây