Tính từ năm 2013 đến tháng 9/2016, toàn tỉnh đã xây dựng nâng cấp 576 km đường giao thông nông thôn (trong đó nhựa, bê tông hoá 181 km trục đường xã, liên xã; cứng hoá sỏi phún 394 km đường ấp, ngõ xóm, trục chính nội đồng). Riêng huyện Trảng Bàng áp dụng cơ chế đầu tư ngân sách xã hỗ trợ 20-30% kinh phí công trình, còn lại do nhân dân đóng góp để tự tổ chức thi công thực hiện 288 tuyến đường ngõ xóm, qua đó đã rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, quyết toán, giảm kinh phí ngân sách nhà nước. Về Thuỷ lợi đã bê tông hoá 15 km kênh nội đồng do xã quản lý (kênh tưới), nạo vét 41,25 km kênh mương tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các xã.
Về điện nông thôn, đã nâng cấp, xây dựng mới 57,5 km đường dây trung thế, 516,1 km đường dây hạ thế, Thực hiện kiên cố hoá trường lớp học với 1.433 phòng học; xây dựng 88 trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Xây dựng mới, nâng cấp 11 Trung tâm Văn hoá thể thao và Học tập cộng đồng xã, 66 Nhà văn hoá ấp đạt chuẩn quy định. Hệ thống chợ nông thôn cơ bản đảm bảo quy định, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và mua sắm của nhân dân đã đầu tư xây dựng 8 chợ. Về bưu điện đến nay có 80/80 xã đảm bảo cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, có phủ sóng hoặc mạng để truy cập internet cho người dân khu vực nông thôn. Về nhà ở dân cư đã xây dựng 4.192 căn nhà đại đoàn kết, xây dựng 2.828 căn nhà theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg; xây mới, sửa chữa 713 căn nhà theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.
Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch được Trung ương giao và định mức vốn đầu tư đã được phê duyệt, tỉnh đã phân bổ vốn hỗ trợ cho các huyện, thành phố, tạo sự công bằng, minh bạch và công khai, tăng cường hiệu quả trong quản lý nguồn vốn đầu tư , góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Các huyện, thành phố chủ động bố trí vốn thực hiện, chủ động bố trí vốn đối ứng hoàn thành công trình; ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư đúng đối tượng và nội dung hỗ trợ; chủ yếu đầu tư cơ sở hạ tầng theo tiêu chí nông thôn mới về các công trình giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, y tế, văn hoá…với định hướng tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã để phục vụ cho việc phát triển kinh tế- xã hội vùng nông thôn; đến nay khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị đã được rút ngắn đáng kể. Người dân nông thôn được tiếp cận, hưởng thụ các công trình đã đầu tư về thuỷ lợi, trường học, các công trình văn hoá, trạm y tế nhất là lĩnh vực giao thông. Hệ thống giao thông tại các xã đạt chuẩn được hoàn thiện đã tạo nên diện mạo mới ở nông thôn, các tuyến đường giao thông từ huyện đến xã, ấp, xóm, hộ gia đình được thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, học tập, vận chuyển hàng hoá, nông sản, nâng cao đời sống vật chất , tinh thần của người dân, tạo được sự đồng thuận và phấn khởi đối với nhân dân trong vùng.
Đối với những công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách có sự quản lý, giám sát chặt chẽ về chất lượng theo quy định, thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản. Đối với các công trình do người dân, cộng đồng vận động tự thực hiện (chủ yếu là cứng hoá các tuyến đường xóm, liên gia) tuy không có sự quản lý, giám sát về chất lượng theo quy định, thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản nhưng đã đáp ứng được yêu cầu cứng hoá, không lầy lội vào mùa mưa theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn, các công trình đang phát huy hiệu quả, còn có một số khó khăn tồn tại, một số địa phương khó khăn không cân đối được nguồn vốn đối ứng dẫn đến một số công trình chậm tiến độ; do nguồn vốn bảo trì hạn chế nên một số tuyến đường sau khi đầu tư xây dựng chưa được duy tu bảo dưỡng kịp thời nên đã xuống cấp, gây khó khăn trong việc lưu thông của người dân. Hệ thống kênh tưới, tiêu chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nên chưa phát huy hiệu quả như mong muốn; hệ thống điện hạ thế sau điện kế do người dân tự đầu tư xây dựng nên chưa đảm bảo được các yêu cầu của ngành điện; hạ tầng tại các điểm phục vụ bưu chính đang xuống cấp, kinh doanh gặp khó khăn, nhiều điểm bưu điện văn hoá xã hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động. Công tác quản lý, khai thác công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn còn nhiều bất cập về vốn, chính sách nên chất lượng hiệu quả sử dụng thấp.
Với quyết tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, chắc chắn những khó khăn trên đây sẽ được nhanh chóng khắc phục, đảm bảo thực hiện các tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh theo đúng tiến độ.
QUANG PHƯƠNG