Hiệu quả từ chính sách dân tộc ở xã biên giới Tân Đông

Thứ tư - 30/01/2013 00:00 121 0
Tây Ninh có 22 dân tộc thiểu số cùng sinh sống chan hoà, với 3.789 hộ/17.887 người, chiếm 0,16% dân số toàn tỉnh, đông nhất là dân tộc Khmer có 1.628 hộ/8.035 người, chiếm 0,07% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc như: cho vay vốn sản xuất; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng trạm xá; giếng nước; xây dựng trường, lớp; triển khai thực hiện các chương trình 134, 135 làm cho bộ mặt nông thôn, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những thay đổi đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần chuyển biến mạnh mẽ ngày càng được nâng lên.

Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội (bên trái), tặng quà cho lãnh đạo xã Tân Đông trong chuyến thăm vùng đồng bào dân tộc thiểu số tháng 12.2012

 

 

Là xã biên giới huyện Tân Châu, tiếp giáp với 3 xã Choam, Rung, Chan Mul thuộc quận Memot, tỉnh Kampong Cham, Vương quốc Campuchia, Tân Đông có đường biên giới dài 14km, chạy dài từ cầu Suối Lam đến Tầm Phô giáp xã Tân Hà. Diện tích tự nhiên 8.454 ha, trong đó diện tích do xã quản lý là 5.220,4 ha, diện tích đất sản xuất là 3.500,9 ha, với dân số toàn xã 3.591 hộ/14.512 người, chia thành 9 ấp, trong đó có 3 ấp đồng bào dân tộc Khmer là Kà Ốt, Suối Dầm và Tầm Phô với 418 hộ/1.999 người, chiếm tỷ lệ 13,78% dân số toàn xã. Ngoài ra, ở Tân Đông còn nhiều dân tộc khác sinh sống như Hoa, Châu Ro, Nùng, Thổ, Tà Mun, S’tieng nhưng không đông người lắm. Nhân dân xã Tân Đông, hầu hết sống bằng nông nghiệp (90% dân số), với các cây trồng chính có diện tích khá lớn như mía (1000 ha), mì (1.459 ha), cao su (1.667 ha), lúa (300 ha).

 Riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tân Đông, nhiều năm trước, đời sống đồng bào còn khó khăn về nhiều mặt. Nhờ sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể trong việc thực hiện chính sách dân tộc,  các ấp đồng bào dân tộc đều được Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình phục vụ dân sinh để cải thiện đời sống. Cụ thể như xây trạm cấp nước sạch cho nhân dân hai ấp Kà Ốt, Tầm Phô với kinh phí mỗi trạm là 1,2 tỷ đồng; xây dựng đường giao thông, nhà đại đoàn kết và công trình vệ sinh nước sạch cho toàn bộ 87 hộ dân ấp Suối Dầm. Mỗi ấp đều có một nhà Sala là nơi sinh hoạt cộng đồng, được đầu tư xây dựng đúng kiểu truyền thống của dân tộc Khmer. Ấp Kà Ốt có chùa Kirisat Traymanche. Hằng năm các ấp đồng bào dân tộc đều có tổ chức các lễ hội mang bản sắc văn hoá dân tộc. Tất cả các ấp đều có trường học, xây dựng khang trang, sạch sẽ, tất cả con em đồng bào dân tộc được thu nhận vào học và được tạo điều kiện tốt nhất để đến trường như tặng học bổng, xe đạp cho các em ở xa. Hiện nay, có một em đang theo học Đại học sư phạm Cần Thơ, 97 em đang học cấp 2 tại trường THPT Nội trú của tỉnh. Tại trường tiểu học của xã cũng có hai giáo viên dân tộc Khmer dạy lớp. Ngoài ra Xã đoàn Tân Đông cũng có tổ chức một lớp song ngữ (tiếng Kinh, tiếng Khmer) dạy cho các em vào ban đêm, quy tụ được khoảng 50 em theo học. Lớp học được duy trì suốt 4 năm qua, từ tháng 3.2010 đến nay. Đồng bào dân tộc được cấp thẻ khám, chữa bệnh miễn phí, mỗi lần khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế Nhà nước không mất tiền. Đặc biệt, đồng bào dân tộc nghèo vùng kinh tế khó khăn còn được hỗ trợ trượt giá, được cấp tivi, hỗ trợ giá điện, cấp tiền ăn tết… Nhìn chung, về đời sống hiện nay thu nhập bình quân hằng năm của người dân tộc thiểu số bằng 70% so với thu nhập bình quân toàn tỉnh. Số hộ nghèo người dân tộc còn 75 hộ, chiếm 17,5% tổng số hộ người dân tộc ở Tân Đông.

Những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể xã Tân Đông, huyện Tân Châu về thực hiện chính sách dân tộc đã đem lại hiệu quả rất tốt.

Báo CAND tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Tân Đông

 Đồng bào dân tộc Khmer chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lao động sản xuất, xây dựng cộng đồng dân cư ổn định và phát triển. Người dân tộc tham gia các hội, đoàn thể xã, chính quyền, mặt trận ấp tới hơn 700 người, có 8 người được kết nạp vào Đảng và 3 người được bầu làm đại biểu HĐND xã. 3 ấp đồng bào dân tộc nay đã trở thành địa phương khá giàu, nhờ dân ấp biết làm ăn và làm ăn hiệu quả như trồng mì đạt năng suất bình quân 35 tấn/ha; cây mía phần lớn đã đưa xuống ruộng, cho năng suất bình quân rất cao, 85 tấn/ha, cao su đạt 2,2 tấn/ha (mủ quy khô). Có nhiều hộ hằng năm lãi 500 - 600 triệu đồng. Ở Tân Đông hiện nay có tới 90% hộ người dân tộc có xe gắn máy, 98,35% hộ sử dụng điện, hơn 90% có tivi, 96% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, không còn người Khmer nào ở nhà tạm bợ.

Tuy nhiên, đời sống bà con dân tộc thiểu số, cũng như việc thực hiện chính sách dân tộc của xã Tân Đông vẫn còn một số khó khăn như: nhiều người chỉ làm theo mùa, chưa có việc làm ổn định quanh năm; các trường học khó duy trì học sinh người dân tộc học hết cấp 3, vì người dân tộc vẫn còn quan niệm khoảng 14 - 15 tuổi là lao động được rồi nên phải ở nhà làm ăn, phụ giúp gia đình. Từ thực trạng các em không tiếp tục học lên cao sẽ không đảm bảo nguồn nhân lực có trình độ, bổ sung vào bộ máy Nhà nước ở địa phương. Nhiều hộ sau khi có con lập gia đình, cho ra riêng, thiếu đất sản xuất phải đi làm thuê làm mướn, thu nhập không ổn định trong khi hiện nay xã không còn quỹ đất để cấp. Cán bộ địa phương phần nhiều không biết tiếng dân tộc, nên công tác tuyên truyền  còn hạn chế; học sinh khó tiếp thu bài ở bậc mẫu giáo, tiểu học, nên tình trạng bỏ học vẫn còn và có chiều hướng gia tăng. Để khắc phục hạn chế này, ngoài sự nỗ lực của địa phương, lãnh đạo cấp trên cần quan tâm hơn nữa trong việc đào tạo giáo viên người dân tộc để dạy song ngữ cho con em người dân tộc.

Một điều đáng băn khoăn là do hiện nay xã Tân Đông không còn nằm trong diện xã đặc biệt khó khăn, nên không còn được cử tuyển học sinh vào đại học, điều này gây khó khăn cho địa phương trong việc phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao trong đồng bào dân tộc. Về hoạt động sản xuất, đồng bào dân tộc thiểu số cần được tăng vốn vay, mở rộng đối tượng cho vay, và thời gian trả nợ vay cũng cần được kéo dài hơn phù hợp với chu kỳ sản xuất.

Ông Dương Minh Trung- Chủ tịch UBND xã Tân Đông chia sẻ: “Trong những năm qua, Đảng uỷ, chính quyền địa phương đã thực hiện khá đầy đủ các chương trình của Chính phủ về công tác dân tộc. Trong tuyên truyền, vận động có sự tham gia của già làng nên đạt hiệu quả đáng khích lệ, làm thay đổi tập quán lạc hậu của người dân tộc, cải thiện đời sống, vượt khó vươn lên, nội bộ dân cư đoàn kết tốt, ít xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xung đột, không có khiếu kiện về đất đai, không có tiềm ẩn nguy cơ xảy ra điểm nóng trong vùng đồng bào dân tộc”.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm cao của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp đưa chính sách dân tộc vào cuộc sống, đã giúp cho đồng bào dân tộc từng bước vươn lên, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.

Theo BTNO

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây