Hoạt động đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội: Cần quy định cụ thể mức độ tín nhiệm trong việc lấy phiếu tín nhiệm

Thứ sáu - 24/10/2014 00:00 47 0
Tham gia phát biểu góp ý dự thảo Luật này, đại biểu Trịnh Ngọc Phương - Tây Ninh cho rằng chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là đúng đắn, bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát cơ quan dân cử. Việc lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH và HĐND bầu, phê chuẩn.

 

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương.

Ngày 22.10, sau khi nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

Tham gia phát biểu góp ý dự thảo Luật này, đại biểu Trịnh Ngọc Phương - Tây Ninh cho rằng chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là đúng đắn, bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát cơ quan dân cử. Việc lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH và HĐND bầu, phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở cho việc bỏ phiếu tín nhiệm.

Cụ thể là tại Khoản 3, Điều 12 quy định: “Người được lấy phiếu tín nhiệm mà có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm”. Tuy nhiên, đại biểu Phương đặt vấn đề: “Các mức độ để đánh giá, so sánh là gì? Có bao nhiêu mức? Sao không liệt kê cụ thể, tất cả các mức độ đánh giá để so sánh mà chỉ đề cập một mức là “Tín nhiệm thấp?”, và ông cho rằng dự luật chỉ đề cập đơn lẻ như vậy là “không logic”.

Đại biểu đề nghị thay thuật ngữ “Tín nhiệm thấp” bằng thuật ngữ “Ở mức độ thấp nhất”, cụ thể Khoản 3 Điều 12 nên sửa lại là: “Người được lấy phiếu tín nhiệm mà có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “ở mức độ thấp nhất” thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm”.

Khoản 2, Điều 13 của dự thảo quy định: “Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm có thể từ chức. Trong trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đề nghị để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người không được Quốc hội tín nhiệm”, để đồng nhất và tương thích như Khoản 3, Điều 12, đại biểu Trịnh Ngọc Phương đề nghị sửa đổi bổ sung như sau: “Thời hạn, thời điểm, trình tự bỏ phiếu tín nhiệm đối với người quy định tại Khoản 2, Điều 13 do Quốc hội quy định.

Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm mà kết quả có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội không còn tín nhiệm thì có thể từ chức. Trong trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đề nghị để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người không được Quốc hội tín nhiệm”.

 Về số lượng Đại biểu Quốc hội tại Đoàn Đại biểu quốc hội, Đại biểu Phương cho rằng quy định tại khoản 1, Điều 38: “Trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu Quốc hội chuyển công tác đến tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương thì được chuyển sinh hoạt đến Đoàn Đại biểu Quốc hội nơi mình nhận công tác” là còn bất cập, sẽ tạo ra sự không ổn định của các Đoàn ĐBQH, có ĐBQH sẽ bị thiếu mà không thể bầu thêm vì bị giới hạn bởi số lượng ĐBQH không quá 500 người (quy định tại Khoản 1, Điều 23 của dự thảo).

Từ đó đại biểu Trịnh Ngọc Phương kiến nghi bỏ quy định: “Trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu Quốc hội chuyển công tác đến tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương thì được chuyển sinh hoạt đến Đoàn Đại biểu Quốc hội nơi mình nhận công tác”, mà nên giữ nguyên như hiện nay, nghĩa là cho dù có chuyển công tác ĐBQH vẫn sinh hoạt tại Đoàn ĐBQH nơi mình đắc cử.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây