Hoạt động đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp quốc hội: Đại biểu Trịnh Ngọc Phương góp ý dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)

Thứ sáu - 25/03/2016 09:00 38 0
ĐBQH Trịnh Ngọc Phương cho rằng, hành vi này (mua bán, trẻ em; hành vi cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm) đã xâm hại thể chất và tinh thần của trẻ em mà cao hơn là xâm phạm quyền con người. Việc quy định như dự thảo không thể hiện bản chất của hành vi nguy hiểm cho xã hội đối với trẻ em được pháp luật hình sự bảo vệ.

​Thảo luận tại hội trường kỳ họp 11 Quốc hội khoá XIII chiều ngày 23.3.2016 về dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng: Khoản 5, Điều 5 của dự thảo giải thích: Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự và nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, bỏ mặc và các hình thức gây tổn hại khác”; và Khoản 7, Điều 5 của dự thảo giải thích “Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; mua, bán trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi” là chưa phù hợp.

Theo đại biểu Phương: Về bản chất, bóc lột là hình thức chiếm đoạt thành quả lao động của người khác. Hành vi bóc lột là hành vi cưỡng bức lao động, bóc lột sức lao động hoặc bắt lao động trái pháp luật. Theo quy định tại khoản 10, Điều 3 Bộ luật Lao động: “Cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc người khác lao động trái ý muốn của họ”.

Như vậy dù bóc lột trực tiếp hay gián tiếp thì người bóc lột biến trẻ em thành người bị bóc lột và trở thành người lệ thuộc mình. Đối với hành vi mua, bán trẻ em là hành vi mua bán người, đây là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ 1.7.2016 và được chia ra các loại như: Tội mua bán người (Điều 150 BLHS); Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151 BLHS). Tại khoản 1 của Điều 150 và khoản 1 Điều 151 BLHS đều quy định quy định: “a/ Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; b/ Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác”.

Hành vi mua bán người là vô nhân đạo, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội. Do vậy, nếu cho rằng hành vi mua bán trẻ em là một trong các hành vi bóc lột thì sẽ là khập khiễng về mặt logic pháp lý; hành vi mua bán người có tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội so với hành vi bóc lột. Hành vi mua bán trẻ em hay bóc lột trẻ em cũng đều là hành vi xâm hại trẻ em.

Tuy nhiên, hành vi mua, bán trẻ em thì tội phạm đã được quy định trực tiếp về tội danh trong BLHS. Còn hành vi bóc lột trẻ em thì là một trong các hành vi bị cấm tại Bộ luật Lao động. Nếu người sử dụng lao động vi phạm thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà chuyển hoá thành tội hành hạ người khác (Điều 140 BLHS) hoặc tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147 BLHS)…

Từ những viện dẫn trên, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương cho rằng, hành vi này (mua bán, trẻ em; hành vi cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm) đã xâm hại thể chất và tinh thần của trẻ em mà cao hơn là xâm phạm quyền con người. Việc quy định như dự thảo không thể hiện bản chất của hành vi nguy hiểm cho xã hội đối với trẻ em được pháp luật hình sự bảo vệ. Đại biểu Phương khẳng định: “Từ những phân tích trên tôi cho rằng hành vi mua, bán trẻ em là hành vi xâm hại trẻ em, nhưng đây không phải là hành vi bóc lột trẻ em, mà đã là tội phạm được quy định trong BLHS 2015. Do vậy, tôi đề nghị sửa đổi bổ sung như sau:

Khoản 5, Điều 5: “Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự và nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác”.

Khoản 7, Điều 5: “Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi”.

Theo BTNO​

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây