Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh. Năm 2013, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tổ chức Hội nghị nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động in, đến nay, công tác phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động in giữa các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương đã được triển khai tích cực và có những bước chuyển biến đáng ghi nhận.
Ở Trung ương, Cục Xuất bản - In và Phát hành, Thanh tra Bộ TT&TT đã nhận được nhiều thông tin hơn do có sự phối hợp tích cực trong quá trình thực hiện tác nghiệp quản lý nhà nước về hoạt động in của các cơ quan trung ương, các Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành có liên quan, như: Cục An ninh Thông tin-Truyền thông (A87), Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (C64) Bộ Công an; Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương); Thanh tra Bộ TT&TT; Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu trung ương và một số Sở TT&TT đã tăng cường công tác quản lý nhà nước một cách có hiệu quả bước đầu, gắn kết và xác định đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, triển khai nhiều đợt thanh tra diện rộng trên phạm vi cả nước và đạt được một số kết quả nhất định thể hiện sự gắn kết, thống nhất cao trong hoạt động liên quan.
Đối với công tác phối hợp trong hoạt động in tại địa phương, nhiều Sở TT&TT đã xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm tra trên lĩnh vực xuất bản - in và phát hành sát với tình hình thực tế của địa phương; kịp thời phối hợp các cơ quan chức năng ở trung ương tháo gỡ, giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc xảy ra trong thực tiễn.
Bên cạnh những mặt tích cực về hoạt động in năm 2013, công tác quản lý nhà nước về chuyên môn, nghiệp vụ vẫn chưa được phối hợp tốt giữa các ngành nên có một số thông tin, số liệu hoạt động chưa được nắm một cách đầy đủ, chính xác. Cụ thể, việc trao đổi thông tin chưa được thường xuyên, kịp thời giữa các cơ quan chức năng có liên quan. Hoạt động in lậu, in giả tuy có chiều hướng giảm về số vụ, nhưng vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều cấp độ khác nhau, tinh vi hơn, thủ đoạn hơn nên việc phát hiện xử lý cũng khó khăn hơn. Vì vậy, hoạt động quản lý nhà nước về in vẫn cần tiếp tục được đặt ra là các ngành phải vào cuộc, đồng thời tăng cường phối hợp hơn nữa giữa các cơ quan chức năng ở ở trung ương với địa phương nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động in, đảm bảo đầy đủ thông tin, dữ liệu hoạt động của ngành, giải quyết dần từng bước nạn in lậu, in giả, tiến tới chủ động kiểm soát được mọi tình huống trong hoạt động in.
Ngày 28/11/2013, Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành Quyết định số 1566/QĐ-BTTTT giao Cục Xuất bản-In và Phát hành chủ trì tổ chức hội nghị bàn tiếp về công tác quản lý nhà nước trong hoạt động in. Đặc biệt là việc phối hợp giữa các cấp, các ngành nhằm tăng cường hơn nữa sự gắn kết, phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong toàn hệ thống chính trị, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hoạt động in ngày càng hiệu quả hơn.
Tuy hoạt động in được Chính phủ giao cho Bộ TT&TT quản lý chuyên ngành, nhưng vì tính phức tạp của ngành nghề nên đã có nhiều ngành cùng tham gia quản lý ở nhiều góc độ khác nhau, thể hiện qua các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động in và do nhiều Bộ, ngành tham gia ban hành văn bản quản lý, như Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư … Các văn bản này tuy còn một số điểm chưa thống nhất, chế định quản lý chưa thật đầy đủ, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung. Nhưng về tổng thể thì các khung pháp lý cũng tương đối hoàn thiện, nhất là từ khi Luật Xuất bản năm 2012 có hiệu lực. Một số văn bản khác cũng đang được xây dựng và sẽ được ban hành trong một tương lai gần. Bên cạnh đó, lực lượng tham gia quản lý ở các cấp, ngành cũng dần dần được bổ sung mới hoặc theo hình thức kiêm nhiệm. Tuy nhiên, qua sự phối hợp, gắn kết còn chưa thật chặt chẽ, chưa thật sự có hiệu quả, vì vậy trong thời gian tới cần phải có sự khắc phục để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp quản lý đạt được kết quả tốt hơn, đồng thời thông qua sự phối hợp để hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và làm cho môi trường an ninh trật tự trong hoạt động in ổn định và phát triển. Để làm tốt điều này, trước hết cần đổi mới về trao đổi thông tin, phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đấu tranh phòng, chống vi phạm và xử lý vi phạm; tham mưu và xây dựng cơ chế, chính sách, các văn bản pháp luật; trao đổi kinh nghiệm, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ...
Theo đánh giá của Cục Xuất bản-In và Phát hành, điều đáng quan ngại và khó khăn cho việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong hoạt động in nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng là những việc xảy ra ở nơi bị phát hiện chỉ là biểu hiện phần ngọn, bề nổi của vấn đề, còn phần gốc lại nằm ở nơi khác (trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh, có thể ở cả nước ngoài). Đo đó, để nâng cao hiểu quả phối hợp, các lực lượng đều phải đổi mới nội dung và đa dạng, linh hoạt về hình thức, biện pháp phối hợp; kết hợp chặt chẽ giữa kế thừa những kinh nghiệm còn phù hợp với phát triển các hình thức, biện pháp phối hợp mới, như tăng cường mở rộng mối quan hệ mới, tích cực hợp tác với các đơn vị trong và ngoài ngành... Phạm vi hoạt động phối hợp không chỉ bó hẹp khi có vụ việc xảy ra mà cần mở rộng phối hợp cả trong hỗ trợ nâng cao năng lực và giao lưu, gặp gỡ, hội thảo...nhằm hiệp đồng chặt chẽ và thống nhất biện pháp phối hợp giữa các lực lượng. Mặt khác, trong quá trình phối hợp luôn giữ vững tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo các cấp; phương châm, nguyên tắc, yêu cầu phối hợp; không ngừng nâng cao khả năng dự báo những tình huống xấu nhất để đưa ra những chủ trương, biện pháp phối hợp mới, phù hợp với đặc điểm diễn biến thực tiễn hoạt động in lậu.
Tại Tây Ninh, Đội Liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh đã thường xuyên nắm bắt thông tin và có kế hoạch chặt chẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở in có biểu hiện in lậu, lập biên bản và xử lý kịp thời, chính xác đới với cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, trong công tác phối hợp, Đội thường xuyên cung cấp thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật về hoạt động in thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời thu thập thông tin từ nhiều nguồn để chọn lọc và có phương án kiểm tra nhằm ngăn chặn kịp thời các dấu hiệu vi phạm in lậu có thể xảy ra. Trong năm 2013, Đội liên ngành tiến hành kiểm tra 20 cơ sở in, photocopy tại 09 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Qua công tác kiểm tra, các tổ chức, cá nhân mặc dù có thực hiện đúng quy định pháp luật về hoạt động in nhưng chưa còn một số sai phạm, như việc không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có bản cam kết điều kiện về an ninh trật tự, không ghi đầy đủ trong sổ theo dõi hoạt động in của đơn vị, không ký kết hoặc lưu giữ các hợp đồng in, photocopy, sao chép trái phép các xuất bản phẩm... Về các sai phạm này, Đội đã tiến hành nhắc nhở, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm đến các cơ sở thực hiện đúng quy định pháp luật.
Đối với các cơ sở phát hành xuất bản phẩm, Đội Liên ngành đã phát hiện và lập 02 biên bản vi phạm hành chính với hình thức cảnh cáo, 01 quyết định xử phạt bằng hình thức phạt tiền, tịch thu các xuất bản phẩm mang tính chất tâm linh tuyên truyền mê tín dị đoan, không rõ xuất xứ, nguồn gốc, đồng thời nhắc nhở các cơ sở phát hành xuất bản phẩm trong việc lưu hành các tài liệu tham khảo, sách giáo khoa thể hiện sai chủ quyền biên giới, biển đảo Việt Nam và sách tham khảo có nội dung không phù hợp.
Tâm Giang