HTX Mây tre số 2 Long Thành Nam: Tập trung đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn

Thứ ba - 03/10/2017 09:00 50 0
HTX Mây tre số 2 Long Thành Nam hiện có 40 hộ tham gia với 65 lao động, sản phẩm làm ra chủ yếu là cần xé.

HTX Mây tre số 2 Long Thành Nam: Tập trung đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn

Thu nhập bình quân của người lao động khi đan cần xé từ 3-6 triệu đồng/tháng.

Theo Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020, và Quyết định 1254 của UBND tỉnh về phân khai và giao vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2017, Hợp tác xã (HTX) Mây tre số 2 Long Thành Nam (huyện Hòa Thành) được hỗ trợ gần 500 triệu đồng để thực hiện dự án phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng xã nông thôn mới.

Anh Hà Ngọc Quyết- Giám đốc HTX Mây tre số 2 Long Thành Nam cho biết, tổng kinh phí dự án dự trù xây dựng gần 950 triệu đồng, nhằm hướng tới mục tiêu vừa tạo điều kiện sản xuất tăng thu nhập cho xã viên, vừa giữ gìn, phát huy ngành nghề truyền thống vốn có bao năm qua; đồng thời tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng mây tre đặc trưng của địa phương.

Hiện nay, HTX Mây tre số 2 Long Thành Nam có 40 hộ tham gia với 65 lao động, sản phẩm làm ra chủ yếu là cần xé. Ngoài ra, HTX cũng thường nhận những đơn hàng gia công các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre như chụp đèn, bàn ghế, giỏ trái cây để bàn cho nhà hàng, khách sạn… Tuy nhiên, làm hàng mỹ nghệ đòi hỏi phải khéo léo, tỉ mỉ nên nhiều người hiện nay chưa làm được. Với những đơn hàng có số lượng lớn, anh Quyết đành từ chối dù rất tiếc, vì không đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu.

HTX Mây tre số 2 Long Thành Nam: Tập trung đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn

Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ mây tre của HTX Mây tre số 2 Long Thành Nam.

“Thật sự thì mình rất muốn tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ, để khi bà con đến Tây Ninh có những sản phẩm mang về làm quà lưu niệm. Ngoài ra, khi người lao động có tay nghề, mình có thể tạo ra những sản phẩm theo yêu cầu của các đơn hàng để nâng cao giá trị sản phẩm mây tre lên, từ đó thu nhập cũng cao hơn hiện nay”, anh Quyết chia sẻ.

Chính vì suy nghĩ này, nên trong đề án phát triển ngành nghề của HTX, anh Quyết tập trung vào 3 mục tiêu cụ thể: xây dựng một nhà trưng bày các sản phẩm mây tre thông dụng và mỹ nghệ, đầu tư lại trang thiết bị máy móc cho HTX và các thành viên. Và một mục tiêu thực sự cần thiết vào giai đoạn này là đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề trong việc tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. “Trong số tiền tỉnh hỗ trợ, tôi dành một khoản để đầu tư cho việc đào tạo tay nghề. Tôi dự định sẽ mở 2 lớp, mỗi lớp 15 người để họ tiếp cận, làm quen với các sản phẩm mỹ nghệ”, anh Quyết nói.

Phát triển các sản phẩm mỹ nghệ từ mây tre còn được xem là một giải pháp khả thi cho việc giữ gìn nghề đan lát, trước thực tế nguồn nguyên liệu đang dần khan hiếm. Bởi những sản phẩm mỹ nghệ không tốn quá nhiều nguyên liệu, nhưng giá thành có thể cao hơn so với các sản phẩm thông dụng hiện nay. Đây cũng là một hướng đi thích hợp khi Tây Ninh đang đẩy mạnh phát triển du lịch.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây